.

Lại nóng

Thời gian qua, các chính đảng Thái Lan dường như tạm thời gác lại những bất đồng, để tập trung mọi nguồn lực nhằm chống chọi với trận lũ lịch sử  trong gần 50 năm  trở lại đây, đang tàn phá nước này, kể cả thủ đô Bangkok. Tuy nhiên, sân khấu chính trị Thái Lan đã bất ngờ nóng lên sau khi có tin đồn cuộc họp Chính phủ ngày 16-11 đã chấp thuận cho tiến trình ân xá , nhằm giúp cựu Thủ tướng Thaksin có thể trở lại nước này.

Theo tờ Bangkok Post, Chính phủ đã thông qua một dự thảo nghị định ân xá, sẽ trình lên Quốc vương Bhumipol Adulyadej để được ký duyệt trước ngày sinh nhật của ngài vào 5-12 tới. Bangkok Post cho biết, dự kiến Hoàng gia Thái sẽ ân xá cho “các tù nhân từ 60 tuổi trở lên, bị kết án dưới ba năm tù”. Có vẻ như nghị định này được hình thành theo “một lộ trình có sẵn” cho ông Thaksin, năm nay 62 tuổi, bị kết án khiếm diện hai năm tù vì tội trốn thuế, sau khi bị đảo chính vào năm 2006, hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài.

Nữ Thủ tướng Yingluck , 44 tuổi, vốn không có kinh nghiệm chính trị và vẫn được xem là “con rối” của ông  anh ruột là cựu Thủ tướng Thaksin, đã không đưa ra lời bình luận nào về những thông tin nói trên. Trong khi đó, uy tín của bà Yingluck đang đi xuống trước những chỉ trích về việc điều hành kém cỏi khi lũ lụt đang đe dọa nhiều địa phương nhất là Bangkok. Như có vẻ tránh tiếng cho sự kiện nói trên, Thủ tướng Yingluck lấy lý do đi chỉ đạo chống lũ và cứu trợ không về được để chủ trì cuộc họp nội các. Còn Phó thủ tướng Chalerm Yubumrung, vốn thay bà Yingluck chủ trì cuộc họp nội các hôm 16-11, nói với báo chí rằng đây là một “cuộc họp kín, không có quyết định chính thức, về các chủ đề có liên quan đến Quốc vương”.

Theo một nhà phân tích chính trị Thái Lan, thực ra thủ tục  phức tạp hơn người ta tưởng, vì muốn được Quốc vương ân xá thì người đó phải đang là tù nhân. Như thế ông Thaksin phải trở lại Bangkok, bị giữ trong một đồn cảnh sát hoặc nhà giam nào đó trong vài giờ, đợi đến lúc nghị định ân xá được ban hành. Nhưng trên thực tế, hiện nay không có gì chắc chắn là ông Thaksin sẽ chấp nhận các rủi ro này, trong bối cảnh Chính phủ Thái Lan đang bị chỉ trích và suy yếu trước trận lụt lịch sử. Mặt khác, những tháng gần đây, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin đang lưu vong liên tục đưa ra những lời tuyên bố trái ngược nhau. Khi thì ông Thaksin nói việc trở về nước không phải là ưu tiên hiện nay, khi lại nói là ông rất muốn trở về Thái Lan để dự đám cưới của con gái vào giữa tháng 12 tới.

 Thái Lan vốn đã bị chia rẽ trầm trọng, giữa những người nghèo ở miền Bắc và Đông Bắc đa số ủng hộ ông Thaksin, với tầng lớp trung lưu và thượng lưu mà tập trung chủ yếu ở thủ đô Bangkok. Dư luận còn nhớ, cuộc khủng hoảng chính trị mùa xuân năm 2010 với các cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người “Áo đỏ” tại trung tâm Bangkok đòi ông Thaksin phải được trở lại Thái Lan, đã làm cho 90 người chết và trên 1.900 người bị thương. Cuộc khủng hoảng này đã tác động sâu sắc đến chính trường Thái Lan, làm cho nền kinh tế đất nước bị sụt giảm, mâu thuẫn xã hội gia tăng… Đồng thời nó cũng là nhân tố làm cho chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua  thuộc về phe đối lập là Đảng Puea Thái, mở đường cho em gái của ông Thaksin  là Yingluck lên làm Thủ tướng.

Các nhà phân tích nhận định việc ông Thaksin về nước trong thời điểm hiện nay sẽ là đổ dầu vào lửa cho một loạt các phong trào phản kháng. Như vậy, sân khấu chính trị Thái Lan lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy mới rất nguy hiểm, làm cho đất nước cùng đối mặt với hai nguy cơ là lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đình đốn sản xuất, lưu thông ; còn chính trường thì các đảng phái  tiếp tục đấu đá nhau, không đủ sức mạnh để lãnh đạo đất nước khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống của người dân.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.