Tình hình ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng, tiếp tục là mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, quốc gia nằm ở khu vực ven biển Thái Bình Dương. Nhiều chính giới Mỹ, trong đó có các nhà quân sự cấp cao, không ít lần lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về những tranh chấp ở Biển Đông sẽ làm cho an ninh hàng hải của vùng biển vô cùng quan trọng này bị đe dọa.
Nhân dịp hàng không mẫu hạm Mỹ George Washington ghé thăm cảng Hồng Kông, ngày 9-11, Phó Đô đốc Scott Swift, chỉ huy Hạm đội 7 đã nói với báo chí được AFP trích dẫn là ông không lo ngại có một cuộc xung đột lớn tại châu Á, nhưng các sự cố nhỏ xảy ra tại một số nơi ví dụ như Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng và hiện có nhiều nước tranh chấp chủ quyền, cần phải có một sự chú ý đặc biệt để tránh những va chạm, sự cố nhỏ nhưng sẽ gây hậu quả lớn. Scott Switt nhấn mạnh: “Nhìn chung, tôi lo ngại những sự cố mang tính chiến thuật nhưng lại có hậu quả chiến lược”. Mặt khác, Phó Đô đốc Mỹ đánh giá là Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã đạt được những tiến bộ đáng kể qua việc khuyến khích đối thoại giữa các bên đang có tranh chấp về chủ quyền. Ông nhấn mạnh các bên liên quan nên nhanh chóng đạt được một thỏa hiệp và những sự cố cần phải được giải quyết ở cấp độ ngoại giao.
Trong khi đó, vào tháng 10 vừa qua, nhân chuyến công du đầu tiên tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã liên tục nhắc lại rằng Mỹ đang ở thời điểm chuyển hướng sau 10 năm chiến tranh. Khi dừng chân tại Nhật Bản, Bộ trưởng Leon Panetta nói: “Chúng tôi có cơ hội để tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ làm việc này”. Thông điệp hướng tới các đồng minh và đối tác trong khu vực của Mỹ rất rõ ràng. Trong một tài liệu gửi các nhân viên Bộ Quốc phòng, ông Leon Panetta viết: Mỹ cam kết duy trì và gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Giới phân tích cho rằng Washington đưa ra những cam kết như trên để giảm bớt những lo ngại của các đồng minh hiện đang phải đối mặt với sức mạnh và thái độ quyết đoán của Trung Quốc. Ông Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương, thuộc viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS tại Honolulu nói với báo chí rằng ở châu Á, có một mối quan ngại là Trung Quốc ngày càng mạnh và tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Do vậy, những việc mà Mỹ làm hiện nay là nhằm trấn an mọi người rằng Washington không có kế hoạch rời bỏ nơi đây.
Theo các quan chức chính quyền Obama, việc quân đội Mỹ chấm dứt sự hiện diện tại Iraq và từng bước rút hết quân ra khỏi Afghanistan vào trước cuối năm 2015 đã tạo ra một sự chuyển hướng quan trọng nhắm sang châu Á-Thái Bình Dương. Chuyên gia Ralph Cossa nhận định, các chính quyền của Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều có chính sách đối ngoại rõ ràng, mạch lạc tại châu Á. Đó là “tập trung vào việc duy trì liên minh, thúc đẩy quan hệ đối tác, đẩy mạnh hợp tác và tự do mậu dịch và những điều này đã không hề thay đổi”.
Điều đáng chú ý khi Bộ trưởng Panetta cho biết là vai trò quân sự của Mỹ tại châu Á không nằm trong kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng, được dự tính lên tới 450 tỷ USD trong 10 năm tới.
Cũng liên quan đến tình hình quân sự, phát biểu tại Trường Đại học Zurich ngày 9-11, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy đã lên tiếng cảnh báo khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thể hiện những dấu hiệu quân sự hóa có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang. Ông Rompuy nói: "Trong khi châu Âu là lục địa nguy hiểm nhất trong thế kỷ 20, trọng tâm của các phân tích an ninh và các nhà hoạch địch chiến lược sức mạnh cứng gần đây đã hướng sang những diễn biến tại châu Á-Thái Bình Dương. Họ chưa thấy xuất hiện một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện, song xét tới chi tiêu quân sự và tâm lý đối đầu, giả thuyết về một cuộc chạy đua vũ trang là có". Ông Rompuy nêu rõ: "Điều quan trọng là tiếp tục tăng cường các quan hệ kinh tế tại khu vực này, nhằm khiến việc tiến hành một cuộc chiến tranh trở thành "điều không thể".
NGUYÊN CHÂU