.

Người nghèo bị đe dọa

Các nước thịnh vượng không thực hiện được các cam kết hỗ trợ các nước nghèo. Tuyên bố của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP - LHQ) cũng là hồi chuông báo động khi dân số thế giới vừa tăng lên 7 tỷ người chỉ sau 12 năm ở mức 6 tỷ người.

Các nước nghèo nhất thế giới chiếm 13% dân số toàn cầu, nhưng chỉ tạo ra 1% sản lượng kinh tế. Theo LHQ, mối đe dọa đối với người nghèo chính là nguồn nước ô nhiễm, hạn hán và các yếu tố môi trường khác. Đây chính là điều bất công cho các nước nghèo bởi họ không phải là thủ phạm của tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng lại là nạn nhân chính. Theo một báo cáo được LHQ công bố hồi tháng 5 vừa qua, 28 nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu đều là những nước nghèo nhất như: Somalia, Afghanistan, Pakistan, Haiti… 

Trong khi đó, viện trợ dành cho các nước nghèo đã tăng lên 23% từ năm 2005-2009, nhưng LHQ cho rằng, khoản tăng này vẫn chưa đủ. LHQ đã chỉ trích các nước giàu khi không đáp ứng được các cam kết, bao gồm những cam kết tại Hội nghị Biến đổi khí hậu vào năm 2009, cam kết của nhóm các nước công nghiệp phát triển G8, Liên minh châu Âu (EU) và LHQ về việc đến năm 2020 sẽ cung cấp 100 tỷ USD/năm để chống lại tác động của biến đổi khí hậu ở những quốc gia đang phát triển. Chưa được 8% các cam kết về chống biến đổi khí hậu được thực hiện trong năm 2010.

Bên cạnh sự hỗ trợ của quốc tế, chính các nước nghèo vẫn phải vật lộn với hàng loạt thách thức để được xóa tên trong danh sách nghèo. Đó là chưa nói đến việc tăng dân số cũng là một áp lực không nhỏ. Cuối tháng 10 vừa qua, dân số thế giới tăng lên 7 tỷ người và LHQ ước tính con số này sẽ đạt 8 tỷ vào năm 2025 và 10 tỷ vào năm 2083.

Trong số 187 quốc gia được UNDP khảo sát, Na Uy, Úc và Hà Lan đứng đầu về Chỉ số Phát triển con người hằng năm, trong khi Congo, Niger và Burundi xếp hạng cuối. Mỹ đứng thứ tư, trên New Zealand và Canada. Song, khi chỉ số xếp hạng được điều chỉnh do sự bất bình đẳng giữa các nước về giáo dục, y tế và thu nhập, một số nước giàu đã bị loại khỏi top 20. Trong đó, Mỹ rơi xuống thứ hạng 23, Hàn Quốc từ vị thứ 15 xuống 32, Israel từ 17 xuống 25.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.