.

Nguy cơ đe dọa bầu cử

Các cuộc biểu tình phản đối việc quân đội Ai Cập nắm chính quyền khởi phát từ ngày 19-11 và  có nguy cơ lan ra nhiều thành phố khác. Tại Cairo, người biểu tình đã chiếm giữ quảng trường Tahrir.
 
Các vụ đụng độ dữ dội tiếp tục diễn ra khi cảnh sát bắn lựu đạn cay vào các nhóm người tụ tập trên quảng trường. Người biểu tình đã đáp trả bằng việc ném đá và bom xăng vào lực lượng giữ gìn trật tự. Trong tối 21-11, người biểu tình tiếp tục tiến về quảng trường Tahrir ngày một đông, ước tính con số lên tới 50.000 người, trong khi các vụ đụng độ với lực lượng an ninh tại các phố gần với Bộ Nội vụ tiếp tục diễn ra. Các vụ đụng độ trong ba ngày qua tại Ai Cập đã làm ít nhất 33 người thiệt mạng và gần 2.000 người khác bị thương.

Bạo lực bùng phát trong lúc chỉ còn một tuần nữa sẽ bắt đầu cuộc bầu cử Quốc hội Ai Cập kể từ sau khi chế độ Hosni Moubarak bị cuộc nổi dậy của dân chúng lật đổ. Người biểu tình đòi giải tán chính quyền quân sự được thiết lập từ khi Moubarak ra đi.

Hãng tin chính thức MENA dẫn lời Người phát ngôn Chính phủ Ai Cập Mohamed Hijazi cho biết chính phủ nước này đã đệ đơn từ chức lên Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang (CSFA) đang nắm quyền điều hành đất nước.

Ông Hijazi tuyên bố quyết định từ chức được đưa ra vì tình hình khó khăn mà đất nước đang phải trải qua. Ông cho biết thêm chính phủ của Thủ tướng Essam Sharaf sẽ tiếp tục đảm nhiệm toàn bộ trách nhiệm cho tới khi đề nghị từ chức được CSFA giải quyết. Mặt khác, chính phủ cũng kêu gọi người dân Ai Cập kiềm chế và bình tĩnh để lập lại ổn định nhằm mở đường cho cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 28-11 tới.

Trong một tuyên bố, CSFA khẩn cấp kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị và Nhà nước đối thoại để xem xét nguyên nhân làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hiện nay và tìm ra các giải pháp nhằm sớm thoát ra khỏi tình trạng tồi tệ trên vì hòa bình của đất nước. CSFA tỏ ý rất lấy làm tiếc về những vụ đụng độ mới đây giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát, đồng thời chỉ đạo Bộ Tư pháp thành lập một ủy ban điều tra về tình trạng bạo lực này và báo cáo kết quả càng sớm càng tốt. CSFA cũng ra lệnh cho lực lượng an ninh thực thi các biện pháp cần thiết để bảo vệ người biểu tình và hết sức kiềm chế trong khuôn khổ pháp luật, hối thúc các lực lượng chính trị và mọi công dân bình tĩnh và tạo ra bầu không khí ổn định thông qua tiến trình chính trị nhằm thiết lập một chế độ dân chủ.

Phản ứng về những diễn biến nói trên, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi CSFA phải "bảo đảm" tự do cho người dân, đồng thời bày tỏ lấy làm tiếc trước những thương vong trong diễn biến bạo lực mới tại quốc gia Bắc Phi này. Người phát ngôn LHQ Martin Nesirky tuyên bố: "TTK thực sự quan ngại về tình trạng bạo lực tại Ai Cập trong những ngày qua, đặc biệt là tại Cairo. Ông đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc nhiều người thương vong, TTK kêu gọi nhà chức trách lâm thời (Ai Cập) bảo vệ nhân quyền và quyền tự do của tất cả người dân Ai Cập, trong đó có quyền được biểu tình trong hòa bình".  Mỹ bày tỏ "thực sự quan ngại" về tình trạng bạo lực tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói: "Chúng tôi chia sẻ những lo ngại của mọi người về tình trạng bạo lực tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế".

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh Châu Âu (EU), bà Catherine Ashton cũng lên án tình trạng đổ máu tại Ai Cập. Ngoại trưởng Anh William Hague cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về những diễn biến tại Ai Cập và kêu gọi nhà cầm quyền quân sự ở Ai Cập tôn trọng cam kết giám sát cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 28-11 tới, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo lâu năm Mubarak bị lật đổ. Tổ chức Ân xá Quốc tế ngày 22-11 cáo buộc CSFA đã không giữ được lời hứa trước đó và thậm chí còn vi phạm các quyền nghiêm trọng hơn cả chế độ của cựu Tổng thống bị lật đổ Mubarak.

Đây là một trong nhiều cuộc biểu tình và đụng độ đẫm máu nhất giữa người dân với chính quyền mới ở Ai Cập kể từ khi ông Mubarak bị sụp đổ và đang có nguy cơ đe dọa đến cuộc bầu cử sắp diễn ra trong vài ngày tới.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.