.

Siêu cường đối đầu

Xem ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria kéo dài nhiều tháng qua và đang ở trong giai đoạn nguy hiểm nhất khi cuộc nội chiến đẫm máu cận kề, thì không còn là chuyện riêng của quốc gia này, hay chỉ đơn thuần của khu vực Trung Đông, mà đang có dấu hiệu tăng lên giữa hai cường quốc là Mỹ và Nga.
 
Mỹ thì nhấn mạnh đến sự ra đi của Tổng thống  Syria Bashar Assad và dành cho lực lượng đối lập một vị thế mới, thậm chí là Washington ủng hộ sự tiếm quyền thông qua cuộc lật đổ như từng diễn ra tại Lybia. Trong khi đó, Nga nhấn mạnh đến điều không thể có kịch bản thứ hai như Lybia tại Syria. Ngày 25-11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexandre Loukachevitch tuyên bố: “Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không cần nghị quyết, không cần trừng phạt hoặc áp lực mà chỉ cần đối thoại giữa những người Syria”. Đồng thời, Moscow cũng tái khẳng định lập trường chống lại mọi can thiệp quân sự chống lại chế độ al Assad, theo đó, “can thiệp bằng vũ lực vào công việc nội bộ của người Syria là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Nga”.

Không những vậy, khi các cuộc xung đột của lực lượng đối lập với chính quyền ngày càng tăng lên, nhất là gần đây xảy ra các vụ tấn công vào trụ sở cơ quan tình báo Syria cũng như các vụ chạm súng nghiêm trọng, báo hiệu xung đột vũ trang xuất hiện thì cả Mỹ và Nga đều lên tiếng bảo vệ cho lực lượng do mình ủng hộ, kể cả các động thái tăng cường tiềm lực quân sự. Theo các nguồn tin quân sự của mạng tin “Debka” ngày 26-11 cho hay, cuộc khủng hoảng Syria mang tầm cỡ sức mạnh lớn chưa từng có trong tuần này với việc hải quân Mỹ và Nga tăng cường các hạm đội tàu sân bay tại vùng biển của  Syria. Tàu sân bay USS George H.W. Bush của Mỹ đã tới vùng biển này ngày 23-11, theo gót ba tàu chiến của Nga đã thả neo trước đó đối diện với cảng Tartus để thiết lập một sở chỉ huy tại cảng Syria này. Nhóm tàu này của Nga sẽ được tăng cường thêm tàu sân bay Đô đốc Kuznetsove vào giữa tuần tới.

Trong khi đó, Mỹ đã triển khai 70 máy bay tiêm kích-cường kích trên tàu sân bay cộng với các tên lửa hành trình dẫn đường hạng nặng và 5 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tại vùng biển đối diện với  Syria. Với động thái này, Washington đã xác nhận sự ủng hộ quân sự đối với bất kỳ hành động can thiệp nào mà Liên đoàn Arập (AL) cùng với Thổ Nhĩ Kỳ có thể quyết định.

Trong khi đó, sau khi triển khai 3 tàu chiến tại hải phận  Syria, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố trên truyền hình: “Tôi đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang triển khai các biện pháp để bảo đảm rằng nếu cần, Nga có thể phá hủy các hệ thống kiểm soát và chỉ huy của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ở châu Âu. Các biện pháp này là thích hợp, hiệu quả và chi phí thấp”. Tiếp theo, cố vấn hàng đầu của nhà lãnh đạo tối cao Iran, Thiếu tướng Yahya Rahim Safavi, cho biết: “Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran kiểm soát danh tính và điểm đến của mọi tàu chiến của Mỹ đi qua eo biển Hormuz“.
 
Tàu sân bay Kuznetsove của Nga và các đội tàu tấn công hộ tống sẽ gia nhập đội 3 chiếc tàu của Nga thả neo đối diện với Tartus hơn một tuần qua. Tàu này cũng sẽ tiến vào vùng biển ngoài khơi Syria như tàu USS Bush và Hạm đội 6 của Mỹ, vốn được bố trí thường trực trên Địa Trung Hải. Do đó, các nguồn tin quân sự nhận định cuộc khủng hoảng  Syria đang tạo nên cuộc đối đầu siêu cường chưa từng có kể từ khi cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Trong khi Washington thể hiện sự sẵn sàng ủng hộ các chiến dịch chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad, Moscow đang vạch ra một ranh giới đỏ xung quanh phủ tổng thống của ông Assad tại Damas. Kremli cảnh báo Mỹ, NATO và AL không được phép lặp lại thắng lợi tại Lybia trong việc lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đối với ông Assad ở  Syria.

Điều đáng chú ý khác là Tổng thống Syria Bashar Assad có thể tự nhận thấy rằng Washington đã kéo chiếc ô hạt nhân trên không để bảo vệ các đồng minh Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan trước sự trả đũa mà Bộ chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang của Tổng thống  Syria Bashar Assad đã cam kết ngày 25-11, sau cái chết của 10 binh sĩ  Syria, trong đó có sáu viên phi công tinh nhuệ của  Syria, trong cuộc phục kích ngày 24-11 trên đường cao tốc Homs-Palmyra. Bộ Tổng chỉ huy quân đội  Syria đã buộc tội một nhóm khủng bố vũ trang, “với sự tham gia của nước ngoài, nhất là Israel”. Quân đội  Syria tuyên bố sẽ “đối đầu với tất cả đối tượng đe dọa an ninh và sự ổn định của tổ quốc”.  Ông Bashar Assad không thể không hành động trả đũa, vì nếu không đáp trả thì đồng nghĩa với việc ông thừa nhận rằng nòng cốt các lực lượng vũ trang của ông đang tan rã và mất kiểm soát.

Trước cuộc đối đầu đang leo thang giữa hai cường quốc và khả năng rất cao về việc nhà lãnh đạo Syria quyết định tấn công bất ngờ các nước láng giềng, quân đội Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan đã tuyên bố tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Theo mạng “Debka”, Ankara đang cân nhắc xây dựng một nơi trú ẩn an toàn cho lực lượng nổi dậy và người tị nạn bên trong Syria. Pháp đã đề xuất lập các hành lang nhân đạo xuyên qua Syria để người tị nạn thoát an toàn khỏi xe tăng và hỏa lực quân sự, đồng thời bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, thuốc men và những mặt hàng thiết yếu khác cho các thành phố đang bị quân đội chính quyền Syria bao vây. Tuy nhiên, cả hai kế hoạch này đều sẽ cần sự yểm trợ lớn trên không và trên bộ trong lãnh thổ  Syria - hành động chắc chắn sẽ đối mặt với sự kháng cự ác liệt từ phía quân đội của ông Assad.

Nguy cơ biến thành cuộc xung đột vũ trang toàn khu vực với sự tham gia của nhiều nước, kể cả hai cường quốc Nga - Mỹ, có điểm xuất phát từ sự bất ổn chính trị ở Syria là rất lớn. Nhưng nếu nhìn xa hơn thì có lẽ những vấn đề tồn đọng trong quan hệ Nga - Mỹ, trong đó vai trò, vị thế của hai siêu cường hạt nhân, vấn đề hạt nhân của Iran,  hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và của NATO có quan hệ trực tiếp với Nga chưa được hóa giải thỏa đáng. Do vậy, đây là cuộc đối đầu nguy hiểm  và khó lường!

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.