.

Sức nóng trên bàn hội nghị thượng đỉnh

Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh và muốn chiếm giữ một vai trò trọng yếu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Mỹ với chủ trương chuyển dịch trọng tâm chính sách đối ngoại từ châu Âu sang châu Á, đã làm cho cuộc tranh giành ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực mà chủ yếu hiện nay là các diễn đàn hội nghị giữa Bắc Kinh với Washington trở nên quyết liệt.

Đáng chú ý là vào các ngày từ 12 đến 13-11 và từ ngày 14 đến 19-11 sắp đến, lần lượt hai Hội nghị thượng đỉnh châu Á quan trọng APEC và ASEAN sẽ diễn ra. Đây là hai tổ chức chính trị - kinh tế quan trọng của vùng châu Á - Thái Bình Dương. Theo các nhà quan sát chính trị, thì đây cũng là nơi diễn ra các cuộc tranh giành ảnh hưởng quan trọng của nhiều nước lớn, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhật báo Le Monde (Pháp) số ra ngày 7-11, trên trang phụ san Địa - Chính trị, có bài nhận định mang hàng tựa “Cạnh tranh Mỹ - Trung tại Hội nghị thượng đỉnh châu Á” của tác giả Philippe Mesmer  viết: Tọa lạc tại vị trí địa chính trị - kinh tế ngày càng quan trọng, những năm gần đây, hai tổ chức này đã trở thành địa điểm cạnh tranh, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Tác giả nhận định Mỹ không muốn nhìn thấy mình bị gạt ra ngoài châu Á và đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tham dự cả hai Hội nghị thượng đỉnh này.
 
Tổng thống Mỹ Obama khẳng định: “Chúng ta có quyền lợi trong tương lai ở khu vực này bởi những gì diễn ra ở đây đều ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta”. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Mỹ gặp phải sự đối kháng từ Trung Quốc. Điều này có thể nhận thấy qua việc nước này phát triển một cách nhanh chóng khí tài quân sự. Hàng loạt các vụ đụng độ với hải quân các nước láng giềng hay các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Nhật (hòn đảo Senkaku - Điếu Ngư), với Việt Nam và Philippines (hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) đã diễn ra trong thời gian gần đây. Việc mở rộng kiểm soát và vùng đặc quyền kinh tế (qua bản công bố đường lưỡi bò) trên Biển Đông đã khiến cho nhiều nước không khỏi thắc mắc, vì đây vốn là con đường hàng hải và thương mại quan trọng.

Philippe Mesmer  cho rằng, chính các hành động khiêu khích của Trung Quốc đã tạo cơ hội cho Mỹ củng cố các liên minh hiện có trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, và đồng thời còn giúp Mỹ tiến gần đến Việt Nam hơn. Do vậy, các vấn đề về an ninh vẫn chiếm trọng tâm chính tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này. Bên cạnh đó, nhân có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama, các nước ASEAN sẽ tranh thủ đưa ra bàn thảo vấn đề tự do đi lại trên Biển Đông và tôn trọng quy định quốc tế về chủ quyền lãnh thổ.
 
Trên phương diện kinh tế, ASEAN tiếp tục thảo luận về vấn đề tự do mậu dịch trong khuôn khổ chương trình ASEAN+3 và ASEAN+6. Về phần APEC, hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ tập trung chủ yếu về Dự án Đối tác xuyên Thái Bình Dương (PTP), một vấn đề mà Mỹ muốn kết thúc sớm. Dự án này được xem như là một bước tiến tiềm năng cho việc thực thi vùng “tự do mậu dịch” châu Á - Thái Bình Dương. Nếu như dự án này thành công, đây sẽ là một chiến thắng cho chính ông Obama trên phương diện nội bộ, bởi vì thành công của dự án PTP cũng sẽ là một cách để Washington chống lại đối thủ Trung Quốc.

Trong khi đó, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng đến dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, sẽ có hàng loạt các cuộc gặp song phương, và  như Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Ngô Hải Long kỳ vọng vào hội nghị này như  sau: Thứ nhất, thực hiện “Chiến lược tăng trưởng” đã được các nhà lãnh đạo thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 18 tại Nhật Bản nhằm đẩy nhanh sự chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của các nước thành viên, nhanh chóng xây dựng nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương cân bằng và bền vững.
 
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các Mục tiêu Bogor, thúc đẩy toàn diện tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực, tăng cường nhất thể hóa và hợp tác trong quản lý cũng như cải cách kết cấu kinh tế, đẩy mạnh việc xây dựng môi trường cũng như chính sách hiệu quả, mở cửa và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư phát triển... Thứ ba, kêu gọi các nước thành viên thực hiện cam kết, phản đối bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức, tích cực thúc đẩy “Đàm phán Doha” cũng như xây dựng thể chế mậu dịch đa phương cân bằng, bình đẳng và cùng có lợi.  Thứ tư, tăng cường hợp tác kinh tế, nâng cao năng lực phát triển của các thành viên APEC, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển để thu hẹp khoảng cách, hướng tới một khu vực phồn vinh. Đây là mục tiêu mà Trung Quốc nhằm đến trong lợi thế đang có của mình so với Mỹ và các cường quốc khác.

Do vậy, sức nóng trên bàn của hai hội nghị thượng đỉnh này sẽ tăng lên đáng kể khi Mỹ và Trung Quốc đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương!

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.