.

“Chệch hướng nghề nghiệp”

Một trong những nỗi lo hàng đầu hiện nay của các nước phát triển... là sự thất thoát các thông tin bí mật về quân sự, kinh tế ngày càng nhiều và vô cùng nghiêm trọng.

Tình trạng thất thoát này không chỉ đến từ các vụ tấn công mạng, các điệp viên chuyên nghiệp mà còn đến từ những công dân nước ngoài đến làm việc, học tập, nghiên cứu, mà các nước thường gọi là những người đi “chệch hướng nghề nghiệp”, đã tập trung thu thập tin tức tình báo quân sự, kinh tế... chuyển về đất nước mình. Đối tượng mà Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nga... thời gian qua  tập trung đối phó là Trung Quốc.

Theo số liệu, thì hiện nay Trung Quốc có hàng triệu công dân ra nước ngoài nghiên cứu, làm việc, học tập, du lịch. Đây cũng là nguồn mà cơ quan tình báo Trung Quốc tập trung cài cắm để thu thập tin tức tình báo. Nhiều năm qua, Mỹ đau đầu về tình báo kinh tế của Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ là Mike Rogers  từng nói “Khoảng 10.000 việc làm cho các lao động Mỹ đã bị mất vì gián điệp kinh tế Trung Quốc”. Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ đã trình lên Quốc hội nước này một báo cáo về tình trạng gián điệp kinh tế cả trên mạng và những người đi “chệch hướng nghề nghiệp”. Báo cáo đã thẳng thừng một cách hiếm thấy, chỉ ra rằng Trung Quốc là một trong số những nơi có hoạt động gián điệp kinh tế nhiều nhất thế giới. Mỹ đã bắt khá nhiều vụ gián điệp của Trung Quốc dưới dạng nghiên cứu, du lịch, học tập. Hồi tháng 10-2010, Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) cũng đã bắt giữ một người quốc tịch Trung Quốc đang tìm cách lấy các tài liệu mật về hệ thống tên lửa S-300 của Nga dưới dạng một phiên dịch.

Còn tại Pháp, vấn đề này đang thu hút sự chú ý của dư luận. Nhật báo Le Figaro hôm ngày 7-12 có bài: “Gián điệp Trung Quốc trong tầm ngắm của tư pháp Pháp” phân tích với dòng tựa khá ấn tượng. Trong vòng 18 tháng qua, nước Pháp đã cho mở 6 cuộc điều tra về gián điệp đi “chệch hướng nghề nghiệp” của Trung Quốc. Một chuyên gia cho biết, đường dây thường đến tận Trung Quốc. Vụ việc mới nhất liên quan đến một công ty ở vùng Lorraine được mua lại bởi tập đoàn General Electric của Mỹ. Hai người vừa bị Pháp bị bắt  bị nghi ngờ có liên hệ với hai công nhân Trung Quốc đến từ một chi nhánh ở Quảng Đông. Hai công nhân này bị bắt quả tang khi đang lén chụp ảnh ở khu vực cấm vào ngày 26-9-2011 và bị thẩm vấn về tội: “thu thập thông tin để cung cấp cho nước ngoài”.

Theo ngành công tố Pháp, đây không phải là hai công nhân đơn giản, họ là hai công nhân thực tập, có trình độ cao. Họ  lãnh nhiệm vụ tiếp cận công nghệ cao của Pháp chứ không phải đơn thuần đến Pháp để được đào tạo về những kỹ thuật cổ điển mà Trung Quốc đã áp dụng. Hai vụ tương tự khác xảy ra ở Pháp hồi năm 2005 và 2006 cũng với chiêu bài “người thực tập”. Một hình thức gián điệp khác tinh vi hơn mà Trung Quốc áp dụng đó là gián điệp mạng.

Một cuộc điều ra đang được thực hiện liên quan đến việc tấn công tin học nhắm tới 5 đại tập đoàn trong đó đứng đầu là tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng SAFRAN của Pháp. Năm 2009 và 2010, đã có hai vụ tấn công tin học được phát hiện ở tập đoàn này. Điều tra đã tìm đến cội nguồn vụ việc, đó là một sinh viên 22 tuổi người Trung Quốc học tại Khoa Luật thuộc Đại học Paris. Nữ sinh này bị bắt vào tháng 10 năm 2010 và khai nhận là do một người bạn nhờ cậy. Điều đáng chú ý là người bạn kia lại là một quan chức lãnh đạo của một cơ sở hàng không vũ trụ tại Thành Đô-Tứ Xuyên. Theo các chuyên gia phản gián Pháp, các công ty đã báo động về hiện tượng sinh viên thực tập “bị chệch hướng nghề nghiệp” của Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Trong quyển sách mang tên “Mật vụ Trung Quốc thời hiện đại”, tác giả Roger Faligot nhấn mạnh rằng, các nước đều tìm cách tiếp cận những người theo kiểu nêu trên khi họ về nước, hoặc thậm chí khi họ còn ở nước ngoài. Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu trên thế giới có nhiều người như vậy và có nhiều phương tiện để bức ép làm việc cho chính quyền. Công việc thu thập thông tin được thực hiện bởi nhiều đối tượng: giảng viên, sinh viên, doanh nhân hay nhà báo... Năm 2009, Wikileaks đã tiết lộ tài liệu cho biết: “Nhiều sinh viên và doanh nhân Trung Quốc có quan hệ với các cơ quan mật thám trong nước”.

NGUYÊN CHÂU

;
.
.
.
.
.