Nỗi lo bất ổn ở Iraq, quốc gia có 30 triệu người, lại gia tăng khi vắng sự hiện diện của quân đội Mỹ và 2 phe chính trị người Sunni, người Shiite đối đầu sau lệnh bắt Phó Tổng thống Tareq al-Hashemi.
Điều đáng nói là việc đối đầu diễn ra chỉ một ngày sau khi Mỹ rút hết quân về nước. Thủ tướng Nouri al-Maliki cảnh báo phe Sunni rằng, họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị miễn quyền lực nếu rút khỏi Chính phủ liên minh. Đảng ủng hộ người Sunni đã bác bỏ kêu gọi đàm phán của Thủ tướng Maliki trong những ngày tới và cam kết sẽ lật đổ ông này tại Quốc hội. Song, theo Reuters, động thái này có thể không thành công.
Với 57 người thiệt mạng và 179 người bị thương vì hơn 10 vụ đánh bom trong ngày 22-12 ngay tại thủ đô Baghdad, AP cho rằng, đây là loạt tấn công lớn nhất đầu tiên kể từ khi xảy ra khủng hoảng mới trong Chính phủ. Tuy nhiên, sự việc này không gây bất ngờ, mà đúng như dự đoán của nhiều người dân Iraq và giới quan sát. Những người dân vốn mệt mỏi, chán nản vì bom nổ trên đường phố vốn lo sợ việc Mỹ rút quân sẽ để lại một Iraq bất ổn với những tàn tích và rạn nứt không dễ gì xóa bỏ hay hàn gắn, trong đó có bạo lực sắc tộc.
Chỉ vài ngày không có bóng dáng quân đội Mỹ, Chính phủ Iraq đã bộc lộ sự mong manh và khả năng sụp đổ. Người Shiite, người Sunni và người Kurd từng ngồi lại để cùng chia sẻ các vị trí trong Chính phủ thì nay dường như không thể tìm được tiếng nói chung.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng thúc giục đàm phán, nhưng băng vẫn không có dấu hiệu tan. Đến lúc này, sự can thiệp của Washington sẽ trở nên vô nghĩa với Baghdad, trái lại chỉ chứng minh rằng 9 năm qua kể từ khi ông Saddam Hussein bị lật đổ, Iraq vẫn chưa thật sự bình yên. Và như thế, cuộc chiến của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này không mang lại hiệu quả nào, mà chỉ hao tiền tốn của, đồng thời lãng phí tính mạng của bao người.
VĨNH AN