Việc London không tham gia vào dự án sửa đổi Hiệp định châu Âu trong phiên họp thượng đỉnh của các nước Liên hiệp châu Âu (EU) hôm 14-12 đã làm cho chính trường nước Anh chao đảo suốt mấy ngày qua, vì có sự chia rẽ sâu sắc trong liên minh đảng cầm quyền.
Suốt hơn một năm lập liên minh cầm quyền với Đảng Bảo thủ, đây là lần đầu tiên Đảng Tự do dân chủ có thái độ mâu thuẫn gay gắt với Đảng Bảo thủ về chính sách đối ngoại. Ngay sau khi nhận được tin Anh từ chối dự án nói trên, Chủ tịch Đảng Tự do dân chủ đã tỏ thái độ giận dữ trên chương trình thời sự bàn chuyện chính trị vào cuối tuần.
Lâu nay, bên phía Đảng Bảo thủ hết lòng ủng hộ việc ông Cameron không chấp nhận phương án giải cứu kinh tế mà các nước EU đều đã thông qua. Bên phía Tự do dân chủ thì coi quyết định đó là tạo ra khủng hoảng, khiến hệ thống tài chính Anh sẽ gặp khó khăn, và nước Anh sẽ bị EU cô lập. Thế nhưng Bộ trưởng Ngoại giao William Hague thì nói ông bảo đảm nước Anh không bị ra rìa, và Nghị sĩ Mark Pritchard còn thẳng thừng tuyên bố “thà làm con chó hung dữ của Anh hơn là con cún ngoan ngoãn của Brussells”.
Trong lúc chính trường nước Anh chưa lắng dịu bất đồng trong liên minh cầm quyền thì cơn sóng mới lại tràn lên. Tối 16-12, cơ quan thẩm định tài chính Fitch cho biết tuy vẫn duy trì điểm tín nhiệm của nước Pháp ở hạng AAA, nhưng hạ từ viễn cảnh “ổn định” xuống “tiêu cực”. Trước thông tin này, Bộ trưởng Tài chính và Công nghiệp Pháp François Baroin đưa ra nhận định rằng đáng lẽ nước phải bị mất điểm AAA là Anh chứ không phải là Pháp. Ông François Baroin khẳng định: “Tình trạng kinh tế của nước Anh hiện nay rất đáng ngại, vào thời điểm này, người ta thích là công dân Pháp hơn Anh”.
Ngay lập tức, Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg, vốn được coi là một người rất gắn bó với châu Âu, trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Pháp Fillon đưa ra nhận xét, cho rằng những lời lẽ kể trên là “không thể chấp nhận được”. Một sự kiện khác cũng liên quan đến diễn biến này, khi tờ Le Figaro (Pháp) dẫn lời tờ Canard Enchainé - tuần báo trào phúng Pháp, theo đó Tổng thống Pháp Sarkozy đã gọi Thủ tướng Cameron là “thằng bé cứng đầu”, khi để cho nước Anh ở vào vị trí đơn độc trong khối EU.
Động thái căng thẳng Anh - Pháp mới này khiến một bộ trưởng châu Âu lo ngại rằng, các lời lẽ kể trên của Pháp sẽ đổ dầu vào lửa, trong bối cảnh Paris cố gạt London sang một bên, như một chướng ngại cho việc thành lập “một chính phủ kinh tế của khu vực đồng euro” nhằm đối phó với nguy cơ vỡ nợ do cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa. Đan Mạch - nước sắp đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên của EU - mong muốn tìm lại sự đoàn kết giữa những nước châu Âu trong và ngoài khu vực đồng euro. Đây cũng là nỗ lực của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Herman Van Rompuy nhằm không để cho bất đồng phá vỡ sự liên kết của EU có được trong mấy thập niên qua.
NGUYÊN CHÂU