Vào ngày 5-12-2001, sau khi Mỹ và đồng minh mở cuộc tấn công quân sự, chế độ Hồi giáo cực đoan Taliban tại Afghanistan đã sụp đổ nhanh chóng, cộng đồng quốc tế nhóm họp tại lâu đài Petersberg, Đức (gọi là Hội nghị Bonn 1) và ký nhiều thỏa thuận liên quan giai đoạn quá độ chính trị, thành lập các định chế vững chắc và bền vững cho phép Afghanistan, sau gần hai thập niên chiến tranh, có thể đi vào hòa bình và tái thiết.
Nhưng 10 năm qua, Afghanistan vẫn chưa im tiếng súng và hòa bình vẫn còn là mơ ước xa vời của quốc gia này. Để lo hậu sự, ngày 5-12, Hội nghị quốc tế về Afghanistan diễn ra tại Bonn, CHLB Đức (Hội nghị Bonn 2), với sự tham gia của đại diện 65 nước trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Mục đích chính của Hội nghị Bonn 2 là đặt cơ sở chuẩn bị cho giai đoạn sau 2014, tức là sau khi liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu rút khỏi Afghanistan.
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon, cho hay Hội nghị quốc tế về Afghanistan lần này, có ba mục tiêu chính: (1) giúp đỡ chính phủ Afghanistan trong việc tạo dựng cơ sở cho một Nhà nước vững chắc và ổn định, (2) hỗ trợ các nỗ lực hòa giải dân tộc nhưng không can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa chính quyền và các phe phái khác, và (3) bảo đảm các quyền cho phụ nữ trong những năm tới, bởi vì đó là những thành quả đạt được từ 10 năm qua và cần phải được củng cố.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho rằng có rất nhiều thành quả đạt được và người dân Afghanistan được hưởng thêm tự do và an ninh so với bất kỳ thời điểm nào trong 30 năm qua. Ông cũng khẳng định cộng đồng quốc tế sẽ đứng bên cạnh nhân dân Afghanistan. Tổng thống Hamid Karzai của Afghanistan nói ông biết ơn cộng đồng quốc tế về sự hỗ trợ của họ, nhưng ông nêu ra sự mong manh của các tiến bộ. Ông Karzai nói rằng Afghanistan hơn bao giờ hết sẽ ở tiền tuyến, và cảnh báo, theo lời ông rằng, “nếu chúng tôi thua trong cuộc chiến, chúng tôi có nguy cơ trở lại thời kỳ trước vụ khủng bố 11-9-2001”. Đồng thời, ông Karzai nhấn mạnh vẫn còn những thách thức đáng kể và có tiềm năng gây chệch hướng tiến bộ và đảo ngược các thành tích của Afghanistan. Nghèo khó và kém phát triển vẫn còn là những khó khăn hàng đầu. Nền dân chủ non trẻ vẫn còn mong manh, và dân chúng Afghanistan chưa thấy được các nguyện vọng của mình được thực hiện qua các cơ chế quốc gia vững mạnh, hữu hiệu và đáng tin cậy. Ông Karzai nói tiến trình chính trị vẫn mở ngỏ cho phe Taleban và các phần tử chủ chiến khác từ bỏ bạo lực và chấp nhận Hiến pháp Afghanistan. Ông nói thêm rằng quốc gia của ông sẽ cần đến sự hỗ trợ tài chính liên tục trong suốt thập niên sắp tới.
Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố: “Washington sẵn sàng đứng về phía nhân dân Afghanistan đến phút chót để hỗ trợ cho cuộc chuyển tiếp ổn định bền vững và phát triển”.
Nhưng, nước láng giềng của Afghanistan là Pakistan, một nhân tố không thể thiếu để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay và tương lai cho sự ổn định của nước này, đã vắng mặt một cách chủ ý tại hội nghị và từ chối không tham dự để phản đối các vụ không kích của NATO hồi tháng trước làm 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng gần biên giới giáp với Afghanistan. Diễn biến có liên quan khác, trước khi diễn ra hội nghị, trong cuộc phỏng vấn với tuần báo Der Spiegel của Đức, ông Karzai nói rằng “cho tới giờ, người Pakistan vẫn từ chối giúp đỡ đối thoại với giới lãnh đạo Taliban”.
Thái độ và hành động của Pakistan thực sự là một khó khăn không chỉ riêng cho Afghanistan mà cho cả Mỹ và phương Tây, để lo hậu sự cho Kabul sau năm 2014, mà còn liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu nói chung, khu vực Nam Á nói riêng.
NGUYÊN CHÂU