.

Khôi phục quyền lực

Dư luận còn nhớ, trong phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) lần thứ 58 (năm 2003) ở New York , tất cả 191 quốc gia thành viên đều nhất trí rằng, LHQ đã không hoàn thành sứ mạng của mình và cần phải thay đổi. Song, một lần nữa, vấn đề thay đổi như thế nào lại gây chia rẽ sâu sắc.
 
Tổng thư ký LHQ lúc bấy giờ là ông Kofi Annan cho rằng, việc cải tổ định chế này là một thách thức quyền lực quan trọng nhất từ trước đến nay. Mục đích của cải tổ là nhằm ngăn chặn cái mà ông Kofi Annan gọi là một sự gia tăng việc sử dụng vũ lực đơn phương và bất hợp pháp trong tương lai. Một trong những cải tổ rõ rệt nhất là mở rộng Hội đồng Bảo an (HĐBA), bao gồm các quốc gia lớn từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh và châu Âu. Việc mở rộng đã bị trì hoãn trong nhiều năm vì những bất đồng về việc sẽ đưa nước nào vào HĐBA. Đã có những kêu gọi tăng cường sức mạnh của ĐHĐ LHQ và các ủy ban kinh tế của LHQ nhưng chưa có câu trả lời chính thức từ các nước thành viên, nhất là các cường quốc có ảnh hưởng lớn với tổ chức này.

Hơn 8 năm trôi qua, vấn đề  cải tổ LHQ lại đặt ra  nhưng cấp thiết  hơn và chưa bao giờ tầm ảnh hưởng của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này đối với an ninh và hòa bình thế giới lại thể hiện rõ như lúc này. Ngày 2-12 vừa qua , ĐHĐ LHQ đã họp phiên toàn thể thảo luận chủ đề phục hồi quyền lực của ĐHĐ LHQ. Khai mạc phiên họp, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Nassir Abdulaziz Al-Nasser khẳng định, các sự kiện thế giới đương đại cần một ĐHĐ LHQ mạnh và có trách nhiệm để xử lý. Vì vậy, ĐHĐ không thể chỉ là diễn đàn để thảo luận mà phải được phục hồi quyền lực để thực hiện vai trò trung tâm trong tìm kiếm giải pháp và xây dựng sự đồng thuận toàn cầu về những vấn đề toàn cầu, nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu...

Trong khi đó, đại diện Phong trào Không liên kết (NAM) nhấn mạnh quá trình phục hồi quyền lực của ĐHĐ LHQ mang tính chính trị chủ yếu nhằm tăng cường vai trò của ĐHĐ như một cơ quan đại diện thảo luận và hoạch định chính sách hàng đầu của LHQ. Đại diện NAM cho rằng các cơ quan chính yếu của LHQ cần tôn trọng chức năng và quyền lực của nhau, khi bày tỏ lo ngại việc HĐBA đang lấn sân sang quyền lực và các đặc quyền của ĐHĐ và Hội đồng Kinh tế và Xã hội của LHQ (ECOSOC). Đại diện NAM đã lên tiếng phản đối mọi đường lối tìm cách phá hoại hoặc tìm cách giảm đến mức thấp nhất những thành tựu của ĐHĐ, làm giảm vai trò và chức năng hiện nay của ĐHĐ hoặc nghi ngờ sự thích hợp cũng như uy tín của cơ quan chủ yếu này của LHQ. Công việc của ĐHĐ không thể chỉ giới hạn trong các kỳ họp chính mà cần phải tăng thêm với các nguồn lực tài chính và con người được bổ sung tương xứng.

Còn đại diện Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong đó LHQ là hạt nhân, vì vậy tăng cường quyền lực ĐHĐ LHQ dựa trên các nguồn lực hiệu quả và bền vững phải được ưu tiên cao nhất. Quyền lực của ĐHĐ được phục hồi và tăng cường chỉ được bảo đảm thông qua những hành động tương xứng của ĐHĐ đối với các vấn đề quan tâm chung toàn cầu.

Nhấn mạnh thực tế không thể chấp nhận hiện nay là các nghị quyết của ĐHĐ chỉ có tính chất khuyến cáo mà không có hiệu lực pháp lý buộc các nước thành viên phải thực hiện (như nghị quyết của HĐBA-LHQ), đại diện nhiều nước khẳng định tiến trình phục hồi quyền lực của ĐHĐ cần ý chí chính trị của các nước thành viên LHQ cũng như cần xây dựng khuôn khổ rộng rãi về chức năng và quyền lực của ĐHĐ.

Rõ ràng, việc khôi phục quyền lực, nâng cao vị thế của ĐHĐ LHQ trong đời sống chính trị-kinh tế và xã hội của thế giới hiện nay là một đòi hỏi cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng để tìm được tiếng nói chung tại diễn đàn này là một khó khăn vô cùng to lớn, nhất là khi một số nước hoặc một số nhóm nước đang muốn duy trì vai trò đã có hoặc chưa chịu nhường quyền lợi đang kiểm soát.     
                             
NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.