Một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda trong ngày 18, 19-12 là vấn đề bồi thường đối với những phụ nữ của Hàn Quốc đã bị bắt làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật trong Thế chiến thứ II. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng vẫn chưa được giải quyết và tạo ra những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao.
Theo Tổng thống Lee Myung-bak, việc bồi thường cho các nạn nhân nô lệ tình dục trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945 là vấn đề khẩn cấp. Ông Lee Myung-bak cũng chịu sức ép dữ dội từ phía các nạn nhân và gia đình của họ xung quanh việc kêu gọi Tokyo sửa chữa sai lầm trong quá khứ. Vào tuần này, 5 người từng là nô lệ tình dục nay đều ở tuổi 80, 90, cùng hàng trăm người ủng hộ đã tuần hành trước Đại sứ quán Nhật Bản đòi lời xin lỗi và bồi thường từ phía Tokyo.
Trong nhiều cuộc gặp gỡ song phương, các quan chức Hàn Quốc nhấn mạnh, vấn đề trên không thể được xem là đã giải quyết đầy đủ bằng Hiệp định bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1965. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Byung-jae cũng khẳng định Chính phủ Nhật Bản không thể nhắm mắt làm ngơ. Tuy nhiên, Shinsuke Sugiyama, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho rằng Tokyo sẽ không chấp nhận yêu cầu của Seoul. Thành ra, hội đàm song phương lần này cũng sẽ không tạo ra sự đột phá nào đối với vấn đề vốn gây tranh cãi. Việc đòi an ủi và bồi thường cho những phụ nữ từng làm nô lệ tình dục cho lính Nhật đang là một trong những ưu tiên ở Hàn Quốc khi hầu hết các nạn nhân còn sống đều ở tuổi cao. Có những quan ngại rằng, họ sẽ chết trước khi nhận được lời xin lỗi và bồi thường của Tokyo. Với một người vừa qua đời trong tuần này, hiện chỉ 63 người còn sống.
Tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước xung quanh đảo Dokdo (theo tiếng Hàn) và Takeshima (theo tiếng Nhật) vẫn chưa được ngã ngũ, thì vấn đề nô lệ tình dục càng tạo ra không ít sóng gió cho quan hệ Seoul - Tokyo. Trong khi đó, khu vực Đông Bắc Á vốn chiếm 16% GDP toàn cầu đang được thúc đẩy xích lại gần nhau, gác bất đồng, gác đối đầu để hướng đến hợp tác chặt chẽ, phát triển bền vững và duy trì hòa bình.
VĨNH AN