.

Phép thử

Một trong những vấn đề gai góc trên sân khấu chính trị và cả trong xã hội Thái Lan hiện nay chính là hòa giải các mâu thuẫn gay gắt giữa các đảng phái và các giai tầng xã hội, mà đỉnh điểm kể từ vụ lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vào năm 2006 đến nay. Khi còn nắm quyền lãnh đạo cách đây không lâu, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đề ra kế hoạch đầy tham vọng về hòa giải dân tộc, nhưng cho đến nay vẫn là bài toán hóc búa.

Tân Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, đang có kế hoạch tiến hành sửa đổi Hiến pháp vào đầu năm 2012 và coi đó là một phần quan trọng của tiến trình kiến tạo hòa giải dân tộc. Trả lời phỏng vấn Báo Bangkok Post qua điện thoại từ Dubai về vấn đề này, ông Thaksin nêu rõ chính trường Thái Lan trong năm tới sẽ bước vào xu hướng hòa giải, với một tiến trình đền bù cho tất cả các nạn nhân của cuộc khủng hoảng chính trị. Về sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp, ông Thaksin chỉ ra rằng sau khi bãi bỏ bản Hiến pháp năm 1997, những người soạn thảo Hiến pháp năm 2007 đã gài vào hiến pháp này “một bãi mìn” và kết cục là dân nghèo và những người không được ưu ái luôn “giẫm phải mìn”.

Hiến pháp hiện hành cũng bộc lộ rõ bất cập khi người dân Thái Lan, vốn có văn hóa và khuynh hướng tuân thủ luật pháp, không đồng tình với mọi hành động mà họ coi là vi phạm hiến pháp. Tiếp theo thắng lợi trong bầu cử của các đảng tiền thân như đảng Người Thái yêu người Thái (TRT) và đảng Quyền lực Nhân dân (PPP), thắng lợi vang dội của đảng Puea Thai trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức sau một năm rối loạn chính trị nghiêm trọng đã chứng tỏ nhân dân mong muốn hòa giải và muốn đất nước đi lên. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp nhằm mang lại hòa giải, các nỗ lực thúc đẩy hòa giải và tiến trình đền bù cho tất cả các nạn nhân của cuộc khủng hoảng chính trị cần được tiến hành đồng thời, nhằm bảo đảm các nỗ lực nhanh chóng đạt mục tiêu.  

Tuy nhiên, ông Thaksin cho rằng nếu giải quyết cả ba vấn đề trên cùng lúc sẽ làm nảy sinh các vấn đề vì một số thế lực có ảnh hưởng chính trị - những người hiện nắm giữ các vị trí quan trọng và một số tổ chức truyền thông - không muốn hòa bình và hòa giải diễn ra trên đất nước. Những người này sẽ tìm mọi cách phá hoại các nỗ lực hòa giải vì họ muốn tiếp tục gặt hái lợi ích từ việc duy trì vai trò “buôn xung đột”. Theo ông Thaksin, điều đáng lo ngại đối với tương lai của Thái Lan là nếu những kẻ “buôn xung đột” ngăn chặn thành công tiến trình hòa giải dân tộc, bạo lực chính trị tất yếu sẽ bùng nổ dữ dội.

Trong khi đó, ông Abhisit Vejjajiva cũng đưa ra tuyên bố là ông sẽ nỗ lực vì tiến trình hòa giải dân tộc nhưng với điều kiện phong trào "Áo đỏ" phải giải tán.

Theo ông Abhisit, một khi phong trào “Áo đỏ” không chấm dứt (hoạt động), các phe phái tại Thái Lan sẽ không thể hòa giải theo mô hình có tên 66/33, mô hình hòa giải được Chính phủ của tướng Prem Tinsulanonda áp dụng năm 1980, trong đó cho phép những người Cộng sản hội nhập xã hội và tham gia chương trình phát triển quốc gia. Còn nghị sĩ Wattana Muangsuk của Đảng Puea Thai cầm quyền, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban về hòa giải của Hạ viện Thái Lan, cho biết ủy ban này sẽ nghiên cứu công thức 66/33 về hòa giải từng giúp khôi phục nền hòa bình tại nước này. Một nguồn tin khác cho rằng cần tiến hành trưng cầu ý dân để công chúng quyết định họ có đồng ý với việc ân xá dựa theo mô hình của sắc lệnh 66/33 hay không.

Do vậy, việc đề ra kế hoạch tiến hành sửa đổi Hiến pháp vào đầu năm 2012 và coi đó là một phần quan trọng của tiến trình kiến tạo hòa giải dân tộc, sẽ là phép thử cho bà Yingluck Shinawatra, một chính trị gia được xem là còn non trẻ trên chính trường đầy khắc nghiệt của xứ sở chùa Vàng này.

NGUYÊN CHÂU

;
.
.
.
.
.