Tình hình chính trị ở Thái Lan đang có những cơn sóng ngầm khi mà các mâu thuẫn giữa các đảng phái và trong xã hội ngày càng trở nên sâu sắc, phức tạp. Cơn lũ lịch sử đang để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế và đời sống của hàng triệu người dân Thái Lan chưa thể khắc phục một sớm một chiều, thì Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải vật lộn với cuộc tranh giành quyền lực đang leo lên nấc thang mới.
Bởi có một thực tế là khi lũ lụt tràn ngập, các chỉ huy quân đội nước này tập trung nỗ lực để cứu trợ, giúp dân với khẩu hiệu “Chúng tôi là quân đội của nhân dân”. Đây là tín hiệu mà các nhà quan sát chính trị nhận định rằng, tranh thủ thời cơ các tướng lĩnh thu phục lòng dân và sẽ ra tay hành động để nắm quyền lãnh đạo đất nước. Bên cạnh đó, việc cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra tuy không được ân xá vào ngày 5-12 vừa qua, nhưng Chính phủ đang xem xét cấp lại hộ chiếu cho ông đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ. Những ngày qua tại Bangkok bùng lên dư luận có khả năng quân đội tìm cách lật đổ Chính phủ do bà Yingluck lãnh đạo giống như họ đã làm năm 2006 với Chính phủ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của bà.
Tuy vậy, phát biểu với báo giới sau khi tới thăm trụ sở Tổng Tư lệnh Tối cao các lực lượng vũ trang ngày 15-12 , bà Yingluck nêu rõ: “Tôi cho rằng Chính phủ và quân đội đều đang nỗ lực phục vụ nhân dân, vì thế đừng nên đồn đoán về sự ra đi của Chính phủ. Chỉ có nhân dân mới có quyền phán xử và quyết định điều đó”. Bà Yingluck thừa nhận khi mới nhậm chức, bà cũng dè dặt với quân đội, nhưng nay, sau khi làm việc với các lãnh đạo hàng đầu của quân đội, mọi lo ngại trước đây của bà đã được trút bỏ và bà hoàn toàn tin tưởng vào mối quan hệ hợp tác, tin cậy lẫn nhau hiện nay giữa Chính phủ và quân đội.
Theo tờ Dân tộc của Thái Lan, trong chuyến tới thăm trụ sở Tổng Tư lệnh Tối cao, bà Yingluck đã được Bộ trưởng Quốc phòng cùng các tư lệnh lực lượng vũ trang đón tiếp long trọng theo nghi lễ. Tổng Tư lệnh Tối cao Thanasak Patimapakorn cũng đã tháp tùng bà đi thăm các cơ quan trực thuộc, trong đó có Tổng Tham mưu Liên quân. Trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo quân đội, bà Yingluck đã nhấn mạnh quân đội cần ưu tiên hai trọng tâm an ninh hàng đầu là bảo vệ Hoàng gia và mang lại hòa giải dân tộc, vì đó là ước nguyện của toàn thể nhân dân.
Bà cam kết Chính phủ sẽ luôn ủng hộ sự phát triển của quân đội và mong quân đội sẽ luôn phối hợp chặt chẽ với Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên nhằm mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Về kế hoạch của Chính phủ sửa đổi Luật điều hành Bộ Quốc phòng nhằm giành lại một phần quyền lực từ tay quân đội, bà Yingluck nêu rõ: “Tôi cho rằng hiện chưa phải là lúc để thảo luận vấn đề này. Hơn nữa, trong mọi trường hợp, Chính phủ sẽ luôn hành xử theo các nguyên tắc đúng đắn nhất”. Bà cho biết thêm trong các nghị sĩ đảng Puea Thai cầm quyền có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề nên sửa đổi luật này hay không, nhưng Nội các là nơi quyết định cuối cùng có ủng hộ việc sửa đổi hay không.
Trong khi đó, cũng có tin đồn sẽ không thuyên chuyển Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha, vốn bị những người “Áo đỏ” ủng hộ bà Yingluck coi là một nhân vật cứng rắn và từng chỉ huy cuộc trấn áp biểu tình năm 2010 để chống lại họ. Trả lời với báo giới sau chuyến thăm cùng ngày tới trụ sở Lục quân Hoàng gia và Bộ Chỉ huy các chiến dịch an ninh nội địa (ISOC), về số phận tướng Prayuth, bà Yingluck nói: “Kể từ khi nhậm chức tới nay, tôi chưa bao giờ can thiệp vào các vấn đề của quân đội. Tướng Prayuth sẽ tiếp tục thực thi nhiệm vụ trên cương vị Tư lệnh Lục quân”.
Trước đó, tại trụ sở ISOC và Lục quân Hoàng gia, bà Yingluck đã được ông Prayuth và các tướng lĩnh quân đội nồng nhiệt chào đón. Trong cuộc họp ISOC đầu tiên do bà chủ trì, các tướng lĩnh quân đội đã báo cáo về hoạt động và tình hình chung. Bà yêu cầu ISOC tuân thủ ba mệnh lệnh của nhà Vua về thực thi nhiệm vụ ở các tỉnh cực nam là hiểu biết, tiếp cận và phát triển, đồng thời nỗ lực góp phần thúc đầy hòa giải chính trị và dân tộc. Tại cuộc họp này, Tư lệnh Lục quân Prayuth thay mặt các tướng lĩnh quân đội khẳng định “lực lượng Lục quân luôn sẵn sàng tận tâm phục vụ Chính phủ”.
Dù có những khẳng định như vậy, nhưng tình hình chính trị ở Thái Lan vẫn chứa đựng nhiều nguy cơ khó lường, khi mà các đảng phái chưa tìm được tiếng nói chung để hướng tới sự ổn định và phát triển đất nước.
Nguyên Châu