.

“Sở thích”

Chính trường nước Nga sau cuộc bầu cử Duma Quốc gia diễn ra hôm 4-12 -  Đảng Nước Nga thống nhất (UR) giành thắng lợi tuy không áp đảo như lần trước và Thủ tướng V.Putin chắc chắn trở lại điện Kremli để nắm quyền lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ 6 năm đến bắt đầu vào tháng 3-2012- đã trở nên phức tạp.

Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố chính thức, phe đối lập tố cáo có gian lận bầu cử và tổ chức các cuộc biểu tình ở Moscow phản đối. Những người này cáo buộc, cuộc bầu cử đã có gian lận theo chiều hướng có lợi cho UR cầm quyền của Thủ tướng Putin. Một số cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng đã diễn ra ở St. Petersburg và các thành phố khác. Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) và Đảng Tự do-Dân chủ Nga (LDPR) đã từ chối đề nghị của Đảng Nước Nga Công bằng (SR) trả lại 212 ghế trong Duma Quốc gia khóa VI mà 3 chính đảng này đã giành được trong cuộc bầu cử vừa qua, nhằm đòi tổ chức bầu cử lại.

Phát ngôn viên Nhà Trắng  Jay Carney đã nhanh chóng lên tiếng phụ họa: “Những cuộc biểu tình diễn ra ở thủ đô Moscow và nhiều thành phố khác của Nga trong ngày 10-12 vừa rồi chính là một dấu hiệu vô cùng tích cực cho tất cả những người ủng hộ tiến trình dân chủ”. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên tiếng bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga và nhận xét rằng cuộc bầu cử này “vừa không tự do vừa không công bằng “.

Trong khi đó, theo báo chí Nga, hầu hết những hoạt động này đều được phép và diễn ra theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phe đối lập không đồng tình với kết quả bầu cử Duma Quốc gia Nga khóa VI đã tổ chức một số cuộc biểu tình phản đối trái phép, gây ẩu đả với cảnh sát, ngăn chặn giao thông và cản trở hoạt động của nhiều tổ chức, cơ quan. Chính phủ Nga khẳng định sẽ chặn đứng mọi hành động trái phép, gây mất trật tự trị an. Bộ Nội vụ Nga cũng đã chỉ thị các cơ quan chức năng điều tra và báo cáo trước ngày 15-12 về những vụ vi phạm mà phe đối lập cho rằng đã xảy ra trong cuộc bầu cử vừa qua.

Trên trang mạng xã hội Facebook, Tổng thống Medvedev tái khẳng định người dân Nga có quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp theo Hiến pháp. Người dân cũng có quyền bày tỏ quan điểm của mình. Tuy nhiên, ông Medvedev không đồng tình với những khẩu hiệu và tuyên bố mang tính kích động của phe đối lập trong một số cuộc biểu tình vừa qua.

Chánh án Tòa án Hiến pháp LB Nga, ông Valery Zorkin cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết cần phải bảo vệ luật pháp nhằm bảo vệ nước Nga, bởi phe đối lập được bên ngoài kích động mạnh mẽ, đang tạo ra nguy cơ nhằm tái diễn tình hình xung đột năm 1993 với hậu quả nặng nề là máu đổ trên đường phố, trụ sở Quốc hội bị xe tăng nã pháo và tình trạng không tôn trọng pháp luật. Ông khẳng định làn sóng biểu tình phản đối hiện nay đang vượt ra ngoài quy định của Hiến pháp và pháp luật Nga, vì thế cần có một “bàn tay sắt” để loại trừ nguy cơ đối với thể chế LB Nga, lập lại trật tự-trị an và uy lực của pháp chế.

Đồng thời các nhà lãnh đạo Nga đã chính thức lên tiếng tố cáo Mỹ và phương Tây có những hành động can thiệp vào nội bộ công việc của nước này. Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã đáp trả những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, cáo buộc Washington đang tìm cách kích động các cuộc biểu tình ở Nga nhằm chống lại chính quyền của ông. Theo lời Thủ tướng Putin, phương Tây đang rót hàng trăm triệu USD vào nhằm gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử ở Nga.

Vậy đâu là gốc rễ của các biến cố nói trên? Các nhà phân tích thời cuộc tin rằng, những động thái gần đây của Mỹ và phương Tây là dấu hiệu cho thấy họ đang cảm thấy rất khó chịu trước viễn cảnh ông Putin quay trở lại điện Kremli. Bởi sự trở lại của ông Putin là đồng nghĩa với một nước Nga “rắn” hơn, có “cá tính” hơn, phát triển mạnh hơn… Đó sẽ là một nước Nga khó đàm phán trong các vấn đề quốc tế, một nước Nga sẽ thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, một nước Nga sẽ phản đối mạnh mẽ các kế hoạch Trung Đông do Mỹ hoạch định, cũng như các vấn đề khác như giải trừ quân bị, cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, kế hoạch phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ và NATO...

Hay nói cách khác, ông Putin làm Tổng thống nước Nga sẽ không hợp “sở thích” của  Mỹ và phương Tây.

Nguyên Châu

;
.
.
.
.
.