Châu Âu đang đứng trước sự lựa chọn lịch sử: Cùng hành động quyết liệt để vượt qua cuộc khủng hoảng đồng euro hoặc rút khỏi khối này. Nhưng giải pháp nào cũng khó. Nếu chọn tiếp tục hành động thì cần những cái bắt tay nồng ấm, mạnh mẽ. Nếu rút lui thì sẽ gây đau đớn và có thể dẫn đến thảm họa.
Các nhà lãnh đạo chính trị cho rằng, nếu đồng euro sụp đổ sẽ kéo theo sự tan rã của Liên minh châu Âu (EU). Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy kêu gọi thể hiện đồng euro là “một dự án không thể đảo ngược”. Nhưng sự thúc giục của ông Rompuy cũng không dự báo triển vọng sáng sủa cho khu vực sử dụng đồng tiền chung này và cũng khó ngăn được việc các nước trở lại với một châu Âu chia rẽ trong quá khứ.
10 ngày để cứu đồng euro. 10 ngày sẽ rung chuyển thế giới tài chính. 10 ngày để quyết định châu Âu sẽ tiến về phía trước như thế nào. Nhưng 10 ngày cũng là thời gian quá ngắn để xoay chuyển tình thế. Vì thế, giai đoạn quan trọng là tuần tới - thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU, sự kiện được xem là vũ điệu ngoại giao của 27 lãnh đạo liên minh già cỗi này. Giới phân tích đang phác họa bức tranh khi khối đồng euro tan vỡ. Nào là hậu quả đối với những nước quay trở về tiền tệ của riêng mình, nào là hậu quả chính trị và kinh tế khi không có đồng euro, rồi đến hiệu ứng domino cho Mỹ, châu Á…, như cơn gió thổi ào ạt, khiến cả phía Đông và phía Tây của châu Âu đều nghiêng ngả.
Ước tính tổn thất cho một nền kinh tế yếu khi rời khối đồng euro khoảng từ 9.500-11.500 euro/người (12.600-15.300 USD) trong năm đầu tiên và tăng thêm từ 3.000-4.000 euro/người (4.000-5.300 USD) trong mỗi năm tiếp theo. Riêng cường quốc như Đức sẽ thiệt hại từ 6.000-8.000 euro/người (8.000-10.600 USD) trong năm đầu tiên và tăng thêm từ 3.500-4.500 euro/người (4.600-6.000 USD) trong mỗi năm tiếp theo.
Các con số này đã được công bố, nhưng châu Âu vẫn loay hoay, tiến thoái lưỡng nan. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 10 vừa qua ở châu Âu đã lên mức kỷ lục, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tại Tây Ban Nha với 22,8% và thấp nhất tại Áo với 4,1%. Pháp, một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc vận động giải cứu châu Âu, lại đang rơi vào vòng xoáy khi bị hạ xếp hạng tín nhiệm tín dụng, nợ công phình ra đến 1.693 tỷ euro, chiếm 86,2% GDP.
VĨNH AN