.

Thử nghiệm để bước ra vũ đài thế giới

Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ vừa qua đã phơi bầy sự thiếu chắc chắn của hệ thống thanh toán toàn cầu, chỉ dựa trên đồng tiền của một quốc gia (dollar Mỹ). Hệ thống này hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ phía các nước  nhóm BRICS, SCO, ASEAN và các quốc gia khác.

Những khuyết tật của hệ thống tiền tệ “đơn cực” đã nổi rõ. Tuy nhiên nền kinh tế của phần lớn các nước trong trường hợp lơi lỏng hoặc suy yếu thậm chí chỉ một phần hệ thống tài chính Mỹ hiện nay dựa trên đồng dollar sẽ lập tức trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng. Trạng thái và sự ổn định của hầu hết các kho dự trữ vàng ngoại tệ quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc chẳng hạn (khối lượng hơn 4 nghìn tỷ USD), Nhật Bản và những nước khác, đều ràng buộc trực tiếp với đồng USD.

Trong khi đó, TQ có nhiều lợi thế do kinh tế phát triển mạnh, dự trữ ngoại tệ lớn đang thực hiện giấc mơ đưa đồng  nhân dân tệ (yuan) dần dần bước ra vũ đài thế giới, là đồng tiền chuyển đổi ngang hàng hoặc chiếm vị thế cao hơn USD.

Do vậy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương TQ Chu Tiểu Xuyên, đã từng đề nghị cộng đồng thế giới tạo ra “đồng tiền siêu quốc gia” mà không gắn với lợi ích của một quốc gia cụ thể nào. Thêm nữa, trong giỏ ngoại tệ duy nhất này sẽ gồm những đồng bản tệ của tất cả những nền kinh tế quan trọng hơn cả đối với thế giới, bao gồm cả đồng nhân dân tệ.

Gần đây, TQ có những bước đi cụ thể hơn là tìm kiếm các thỏa thuận song phương về tiền tệ để giảm lệ thuộc vào USD, từng bước nâng cao vị thế đồng yuan. Trong chuyến thăm TQ vừa diễn ra ngày 27-12 , Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo nhất trí  hiệp lực xúc tiến sử dụng bản tệ quốc gia trong giao dịch thương mại giữa hai nước. Trước đó, tại Bắc Kinh đã đạt thỏa thuận về việc Nhật Bản mua trái phiếu của các công ty Nhà nước TQ. Được biết trong hiện tại, 60% thanh toán song phương Nhật – Trung được thực hiện bằng đồng USD. Hai bên hy vọng, nếu thực hiện được việc thanh toán trực tiếp này, các rủi ro tài chính và tổn phí sẽ giảm bớt. Thỏa thuận mới này có thể được coi là bước đi cực kỳ quan trọng trên con đường phát triển liên hệ kinh tế Nhật-Trung. Cách đây chưa lâu TQ đã mua thêm gói bổ sung trái phiếu Chính phủ Nhật Bản.

Trước đó, ngày 22-12  tại Bangkok , Phó Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã cùng TT Thái Lan Yingluck Shinawtra chứng kiến việc ký kết một loạt văn kiện hợp tác kinh tế. Trong số này, đáng chú ý là thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương trị giá 70 tỷ yuan, tương đương với 11 tỷ USD. Theo giới quan sát, đây là một biện pháp Bắc Kinh sử dụng nhằm lôi kéo đối tác bỏ đồng dollar Mỹ để dùng nhân dân tệ làm phương tiện thanh toán quốc tế. Lợi ích của việc dùng đồng yuan TQ là giảm được chi phí quy đổi qua đồng dollar Mỹ, vốn được dùng trong thanh toán quốc tế, nhất là khi 90% xuất khẩu của Thái Lan được giao dịch bằng USD và xuất khẩu của Thái Lan qua Trung Quốc chiếm 11% tổng giá trị xuất khẩu. Đối với các nhà quan sát, dụng tâm của Bắc Kinh rất rõ. Thỏa thuận tiền tệ này nhằm khuyến khích giới xuất khẩu Thái Lan dùng đồng nhân dân tệ thay vì đồng dollar Mỹ trong thương mại song phương với TQ và nằm trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm chiêu dụ các nước dùng đồng nhân dân tệ làm phương tiện thanh toán quốc tế, qua đó phá vỡ ưu thế tuyệt đối của đồng dollar Mỹ  hiện nay.

Theo dự báo của các chuyên viên phân tích tài chính, đến năm 2015 hơn 50% doanh thu thương mại của TQ, chủ yếu là với các nước đang phát triển, sẽ được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Như vậy, tổng khối lượng thanh toán thương mại quốc tế bằng nhân dân tệ sẽ đạt 2 nghìn tỷ dollar Mỹ, làm cho đồng nhân dân tệ trở thành ngoại tệ thứ ba, sau đồng dollar và đồng euro, được sử dụng trong thương mại quốc tế.

Nguyên Châu

;
.
.
.
.
.