.

Tội “khi quân”

Thái Lan đang đứng trước những thách thức không chỉ vấn đề suy giảm kinh tế do tác động của suy thoái toàn cầu và cơn lũ tồi tệ, mà còn phải đối phó vấn đề bất đồng gây chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái. Gần đây, tình trạng nhiều người bị cáo buộc “phạm tội khi quân” cũng  đang là mối quan tâm của xã hội.

Tại Thái Lan, tuy Hoàng gia không có vai trò chính trị chính thức, nhưng cho tới nay, đây vẫn là một chủ đề cực kỳ nhạy cảm. Chiếu theo luật hiện hành, những ai bị quy tội xúc phạm quốc vương, hoàng hậu và các thành viên khác trong Hoàng gia đều có thể bị kết án tù lên tới 15 năm cho mỗi hành vi. Ngày càng nhiều người bị kết vào tội khi quân khi có những lời nói và hành động xúc phạm tới Hoàng gia và nhà vua Bhumibol Adulyadej nếu bị phát giác.  

Các vụ truy tố và kết án tù về tội phạm thượng đã gia tăng kể từ sau cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Đang sống lưu vong, ông Thaksin vẫn bị xem là mối nguy cho chế độ quân chủ Thái Lan và bị cáo buộc phạm tội “khi quân”. Ngày 8-12 vừa qua, một người Mỹ gốc Thái Lan, Joe Wichai Commart Gordon, đã bị tuyên án 30 tháng tù, do ông này, từ Mỹ, đã dịch sang tiếng Thái Lan một cuốn tiểu sử quốc vương bị cấm phát hành ở Thái Lan, rồi đăng cuốn sách này trên Internet. Ông đã bị bắt vào tháng 5 vừa qua khi về thăm lại đất nước. Tổng Lãnh sự Mỹ ở Thái Lan Elizabeth Pratt đã cho rằng bản án nói trên là “quá nặng nề”, vì theo bà, trên thực tế ông Gordon chỉ hành xử quyền tự do ngôn luận.

Đáng chú ý vào ngày 23-11 vừa qua, ông Ampon Tangnoppakul, 61 tuổi bị Tòa Thái Lan tuyên án tới 20 năm tù, do vào tháng 5-2010 đã gửi cho thư ký riêng của Thủ tướng lúc đó là Abhisit Vejjajiva 4 tin nhắn SMS có nội dung bị xem là nhục mạ Hoàng gia. Tòa án đã khẳng định Amphon gửi tin nhắn văn bản có nội dung xúc phạm hoàng gia tới thư ký riêng của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, nhưng ông Amphon phủ nhận mọi cáo buộc và nói rằng ông không quen với chức năng nhắn tin trên điện thoại di động và không biết người nhận tin nhắn là ai. Ngay sau sự kiện này, theo tờ Guardian của Anh cho hay, Bộ trưởng Công nghệ thông tin Thái Lan Anudith Nakornthap cảnh báo người dùng Facebook nước này rằng nếu họ không xóa các bài viết hoặc hoàn tác lại nút “like - thích” trên Facebook có nội dung ủng hộ Amphon Tangnoppaku, họ có thể phạm vào tội gián tiếp phân phối những nội dung không phù hợp và cũng bị cáo buộc phạm tội “khi quân”?!

Tuy nhiên, có một thực tế là toàn bộ các điều luật được sử dụng để trừng trị tội “khi quân” đối với Hoàng gia đang ngày càng bị các tầng lớp nhân dân nước này chống đối, vì đó là Luật được xem khắt khe nhất thế giới hiện nay. Trong hai ngày 9 và 10-12 vừa qua, dân chúng thủ đô Bangkok đã chứng kiến các cuộc biểu tình, quy mô chỉ khoảng trăm người, và chỉ diễn ra đúng 112 phút, nhưng thu hút sự chú ý của dư luận nước này và quốc tế, khi họ yêu cầu Chính phủ phải sửa đổi luật cấm dân chúng không được quyền nói xấu hay chê bai nhà vua hoặc Hoàng gia. Những người biểu tình cho biết luật này cần phải sửa đổi do bị những người có quyền thế lợi dụng cho mục đích chính trị, đồng thời gây ra sự sợ hãi trong dân chúng. Vì theo Luật này quy định - ám chỉ điều 112 của Luật hình sự Thái Lan, một trong những điều luật thường được sử dụng để trừng trị tội phạm thượng, theo như lời giải thích của ông Kwanravee Wangudom một thành viên ban tổ chức biểu tình - cảnh sát phải mở cuộc điều tra ngay sau khi nhận được đơn tố cáo có người nói xấu nhà vua hay Hoàng gia, và người nào phạm tội có thể bị tòa kết án tới 15 năm tù giam.

Hôm 9-12 vừa qua, người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Navi Pillay lên án Bangkok không tôn trọng các cam kết quốc tế khi vẫn duy trì các điều luật quá khắt khe về tội phạm thượng, cho rằng điều này gây tác hại đến quyền tự do ngôn luận ở Thái Lan. Phát ngôn viên Cao ủy Nhân quyền LHQ thúc giục Thái Lan nhanh chóng sửa đổi các điều luật nói trên.                               

N.C

;
.
.
.
.
.