.

Tồn tại hay không tồn tại

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong 2 ngày 8 và 9-12 ở Brussels (Bỉ) được xem là cơ hội cứu đồng euro trước nguy cơ sụp đổ. Các nhà phân tích thậm chí mô tả sự kiện này là cánh cửa quyết định tồn tại hay không tồn tại đối với 17 nước thành viên trong khu vực sử dụng đồng tiền euro.

Đến nay đã có 10 quốc gia trong số 27 thành viên EU, bao gồm cả Anh, quan ngại rằng họ có thể bị cô lập nếu các nước trong khối euro “ngả mũ” trước một hiệp ước mới. Kế hoạch của Pháp và Đức là nếu tất cả 27 thành viên EU không thống nhất với việc sửa đổi, hiệp ước sẽ chỉ được xem xét trong khuôn khổ 17 nước thuộc khối euro. Động thái này cũng đủ khiến Anh, quốc gia không thuộc khối euro nhưng lại có sức ảnh hưởng đáng kể đối với châu Âu, cảm thấy bị cô lập. Thực chất, Anh không muốn mất vị thế trung tâm tài chính quyền lực, không muốn các lợi ích của London bị ảnh hưởng. Nhưng sự phản đối của Anh đối với một hiệp ước mới sẽ cản trở những nỗ lực của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel.  

Pháp và Đức muốn thúc đẩy một hiệp ước sửa đổi để khôi phục lòng tin vào đồng euro và khối euro, cũng như khuyến khích các nước EU tham gia tự nguyện vào văn bản này nhằm siết chặt những quy tắc về quản lý thâm hụt ngân sách. Theo đó, bất kỳ quốc gia nào để thâm hụt vượt quá 3% sẽ phải đối mặt với Tòa án Công lý châu Âu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, bức tranh của châu Âu vẫn u ám và chưa có dấu hiệu sáng sủa nào chứng minh đồng euro sẽ thoát nguy cơ sụp đổ. Bởi lẽ, đề xuất của ông Sarkozy và bà Merkel chỉ là bước đi tạm thời, chứ chưa vạch ra lộ trình cụ thể về cách thức để thúc đẩy tăng trưởng đối với các nước châu Âu. Trong khi đó, điều quan trọng vẫn là vấn đề tăng trưởng để giảm thâm hụt, để trả những khoản vay khổng lồ và cũng để hạn chế chính sách thắt lưng buộc bụng vốn không được lòng dân.       

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.