Một năm trước đây, với hành động tự thiêu của Mohammed Bouaziz, người dân Tunisia bình thường, ở Bắc Phi đã khởi đầu cho cái gọi là “Mùa xuân Arab” - một loạt các “cuộc cách mạng màu” dẫn đến thay đổi chế độ ở một số nước trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Nhưng “Mùa xuân Arab” không có đầy hoa hồng, không có cảnh thanh bình... như người ta kỳ vọng, mà là sự bất ổn triền miên về chính trị và kinh tế.
Các cư dân của lục địa châu Phi đến bây giờ vẫn cảm nhận rõ thời tiết mùa xuân lạ lùng này. Chính ở Tunisia thì thời kỳ chuyển tiếp hình thành các cơ cấu chính quyền lực mới nhưng lại vẫn song hành với đình công và biểu tình bất tận. Có thể thấy rõ hơn sự bất ổn này ở Libya. Đã gần 2 tháng kể từ ngày đại tá Gaddafi bị sát hại, người dân Libya lại xuống đường. Tại Benghazi - thành phố được coi là cái nôi của cách mạng Libya - liên tiếp diễn ra mít-tinh và cuộc mít-tinh lớn nhất mấy ngày qua với sự tham gia của hơn 30.000 người bày tỏ sự bất bình với chính quyền mới của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC).
Yêu sách của họ cũng chính là yêu sách mà trước kia phe đối lập đã đề ra với đại tá Gaddafi - đó là chính quyền mới phải từ chức! Chủ tịch NTC đã gián tiếp trả lời những người biểu tình bằng cách tuyên bố: “Các bạn hãy ủng hộ Chính phủ chuyển tiếp và giữ thái độ bình tĩnh. Các bạn đã chịu đựng được Gaddafi 40 năm kia mà. Vậy giờ đây hãy cho chúng tôi thời gian giải quyết mọi việc”. Nhưng dường như người dân Libya không còn đủ kiên nhẫn. Tại một số địa phương, pháo và súng tự động đã bắt đầu được tung vào cuộc để làm rõ ai đã đóng góp nhiều hơn cho cách mạng hoặc đơn giản chỉ là để làm rõ giờ đây ai mới là người chủ thật sự.
Có thể nói cả nước Libya giờ đây giống như một tấm chăn do nhiều mảnh ghép lại. Mỗi tỉnh đều có chính quyền riêng và chính quyền này nhiều khi không phục tùng NTC. Tất cả không chỉ chiến đấu với nhau mà còn chiến đấu cả với Chính phủ của NTC.
Trong khi đó, khi tham gia vào làn sóng dân chủ hồi tháng 2, được phương Tây tung hô bằng tên gọi “Mùa xuân Arab”, người Ai Cập đã kỳ vọng một mùa xuân mới sẽ đến với đất nước sau khi chính thể của ông Mubarak bị lật đổ. Nhưng họ phải đối diện với một thực tế phũ phàng: Đất nước vẫn trong tình trạng rối loạn và suy thoái. Nền kinh tế, vốn đã kiệt quệ sau cơn địa chấn chính trị, tiếp tục rơi xuống vực. Kinh tế Ai Cập được dự đoán sẽ giảm 0,5% trong năm 2011. Dự trữ ngoại tệ từ 36 tỷ USD đầu năm 2011 đã giảm xuống còn 22,1 tỷ USD vào tháng 10 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống mức khiến ngân hàng trung ương không thể ngăn chặn được nguy cơ đồng bảng Ai Cập đột ngột mất giá mạnh. Giá tiêu dùng sẽ tăng với tốc độ phi mã và chắc chắn điều này sẽ châm ngòi tình trạng hỗn loạn mới. Đây là một thảm họa cả về kinh tế lẫn chính trị đối với người dân Ai Cập.
Trong khi kinh tế đất nước đang đứng trên bờ vực, Hội đồng cầm quyền quân sự Ai Cập (SCAF) vẫn quyết tâm bám giữ quyền lực song lại hầu như không có một biện pháp hiệu quả nào để cứu vãn tình hình. Mâu thuẫn giữa SCAF với các lực lượng chính trị đối lập ngày càng gay gắt. Hậu quả là kịch bản tháng 2 tái diễn, hàng trăm nghìn người xuống đường, đụng độ với cảnh sát và quân đội, hàng trăm người thương vong. Một lần nữa, máu lại đổ trên Quảng trường Tahrir, nơi từng là trung tâm của “Mùa xuân Arab” tại Ai Cập. Phải chăng người dân đã vỡ mộng về một mùa xuân tươi sáng?
Tình hình ở Ai Cập đã chứng tỏ một thực tế khó khăn ở đất nước này, cũng như các quốc gia khác trong khu vực như Syria, Bahrain, Yemen... vừa trải qua chính biến hay chỉ mới bắt đầu.Trên thực tế, cơn địa chấn chính trị đã không mở ra một kỷ nguyên tươi sáng. Ước mơ về một “Mùa xuân Arab” thực sự, một tương lai xán lạn đã trở nên quá xa vời.
NGUYÊN CHÂU