.

Không tiến triển nhưng khó đổ vỡ

Việc chuyển hướng chiến lược từ Âu sang Á của Mỹ cuối năm 2011 đã làm quan hệ Washington - Bắc Kinh trở nên căng thẳng nhanh chóng. Cả hai đang có những toan tính để vừa mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vừa kiềm chế lẫn nhau cả về quân sự lẫn chính trị và kinh tế.


Tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc tăng nhanh đã và đang trở thành thách thức đối với Mỹ. Do đó, dù hạn chế đối đầu với Bắc Kinh nhằm bảo đảm lợi ích trong quan hệ thương mại với thị trường khổng lồ này, cũng như tìm kiếm sự ủng hộ trong những vấn đề nan giải như CHDCND Triều Tiên, Iran và Myanmar..., nhưng Washington buộc phải củng cố các liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Papua New Guinea, New Zealand và Úc... Chẳng hạn như, trong quan hệ với Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 12-1 khẳng định: “Quan hệ Washington - Tokyo từ lâu góp phần không nhỏ vào ổn định khu vực và không nên bị ảnh hưởng bởi bất cứ mâu thuẫn nhỏ nào”.


Các nhà quan sát nhận định: Tuyên bố trên của bà Clinton là điều dễ hiểu bởi xét về thực lực, tại châu Á chỉ có Nhật Bản là “đồng cân đồng lạng” với Trung Quốc. Nếu Nhật Bản bỏ Mỹ và chơi với Trung Quốc thì cán cân an ninh, kinh tế... tại châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới sẽ biến động mạnh, chiến lược toàn cầu cũng như vị thế của Mỹ tại khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Đặc biệt, Mỹ đã “bật đèn xanh” cho phép Hãng sản xuất vũ khí Lockheed Martin Corp bán hệ thống phòng không Patriot tiên tiến cho Đài Loan. Đáng chú ý là những khí tài được mua bán thuộc những thế hệ tốt nhất trong dòng tên lửa Patriot đủ sức bắn hạ tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Trung Quốc. Nhà Trắng còn dự kiến bán các loại máy bay trực thăng chiến đấu Black Hawk, chiến đấu cơ hiện đại F-16, nhiều hệ thống vũ khí hiện đại khác; cũng như cân nhắc giúp Đài Loan thiết kế, sản xuất tàu ngầm tân tiến... để thu hẹp khoảng cách với Bắc Kinh.


Ngoài ra, Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại Philippines để kiềm chế Trung Quốc trong mưu toan kiểm soát toàn bộ Biển Đông, nơi có nguồn năng lượng khổng lồ. Mỹ và Philippines còn đang thảo luận về vấn đề mở rộng quan hệ hợp tác quân sự song phương.


Trong khi đó, Trung Quốc cũng tìm mọi cách không để Mỹ muốn làm gì thì làm. Bắc Kinh đã nhiều lần hủy các cuộc trao đổi quân sự với Mỹ để phản đối thương vụ vũ khí với Đài Loan, đồng thời cảnh báo Washington không can thiệp vào công việc nội bộ nước này, kể cả các tranh chấp trên Biển Đông.


Báo The Economic Times của Ấn Độ dẫn phát biểu của đô đốc Mỹ Robert Willard, lãnh đạo Trung tâm chỉ huy Thái Bình Dương, ngày 28-1 nói rằng quan hệ quân sự ở tầm mức chiến lược giữa Washington - Bắc Kinh đã được thúc đẩy. Thế nhưng, các mối quan hệ ở tầm thấp, như giúp quân đội hai bên làm quen, hiểu biết nhau hơn qua các hoạt động phối hợp tác chiến hoặc qua các cuộc viếng thăm đối tác thì không tiến triển. Ông Willard đề cập đến sự khác biệt giữa Washington và Bắc Kinh trong quan niệm về quan hệ cũng như sự thiếu niềm tin giữa lực lượng quân đội 2 nước. Bên cạnh đó, quan điểm của Bắc Kinh cho rằng, Mỹ luôn tìm cách ngăn chặn sự phát triển quân sự của Trung Quốc.


Với việc Mỹ và Trung Quốc, 2 cường quốc lớn nhất hiện nay, đang cạnh tranh khốc liệt, cuộc tỉ thí này sẽ cực kỳ gay gắt, đốt nóng khu vực và có thể là cả thế giới. Nhưng cả hai phụ thuộc nhau rất lớn về kinh tế, môi trường, các vấn đề toàn cầu như phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố... nên cuộc đọ sức này sẽ không dẫn tới đổ vỡ quan hệ hoàn toàn.


TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.