.

Khủng hoảng kinh tế và bầu cử

Nước Mỹ bước vào mùa bầu cử Tổng thống trong lúc vẫn chưa thoát được cái bóng của khủng hoảng kinh tế. Một lần nữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa lại bước vào cuộc đối đầu để giành quyền cao nhất ở Nhà Trắng.

Đảng Cộng hòa đã khởi động trước ở bang Iowa với chiến thắng thuộc về cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney. Tuy nhiên, chiến thắng này rất mong manh bởi theo sát Romney tại Iowa là cựu nghị sĩ Rick Santorum và Thượng nghị sĩ Ron Paul. Giới quan sát cho rằng, sẽ có sự “rượt đuổi” nhau giữa 6 ứng viên trong những cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở các bang để chọn một người cạnh tranh với Đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama. Doanh nhân - chính trị gia Romney vẫn bị cho là chưa đủ chất để đại diện cho phe Cộng hòa mặc dù ông đang có vị trí hàng đầu của đảng này. Trong khi đó, cựu nghị sĩ 53 tuổi Santorum về nhì nhưng nổi lên như một hiện tượng và điều bất ngờ trong bầu cử hoàn toàn có thể diễn ra.

Ngày 10-1 và 21-1 tới, mọi sự chú ý sẽ lần lượt dồn về New Hampshire và Nam Carolina. Nếu ông Romney tiếp tục giành chiến thắng, nhất là ở New Hampshire, thì không có gì ngạc nhiên bởi vị chính khách 64 tuổi này không những có tiềm lực kinh tế mạnh mà còn nhận được sự hậu thuẫn lớn của phe Cộng hòa.

Tuy nhiên, sự “sát phạt” của Đảng Cộng hòa chưa đủ để giúp đảng này thắng lợi trước đối thủ Dân chủ bởi cử tri Mỹ sẽ quan tâm đến những cam kết giải quyết khủng hoảng kinh tế, để cường quốc số 1 thế giới không bị tác động từ sự chao đảo của châu Âu, để Washington không bị tiềm lực của các nền kinh tế mới nổi đe dọa. Cử tri sợ lặp lại cuộc suy thoái tài chính của năm 2008 và 2009; trong khi dự báo năm 2012, kinh tế Mỹ sẽ suy thoái lần 3 và Chính phủ Washington phải cắt giảm ngân sách 150 tỷ USD. Điều mà cử tri mong đợi không phải là lời hứa ảo, không phải là sự “sát phạt” của nội bộ phe Cộng hòa hay phe Dân chủ mà là chặng đường sắp tới và một ứng viên mang lại cho công chúng niềm tin vững chắc.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.