.

Nóng từ eo biển Hormuz đến Biển Đông

Vào những tháng cuối năm 2011, các nhà quan sát chính trị nhận định rằng, trong vài thập kỷ tới, vấn đề chiến tranh trên biển sẽ là tiêu điểm của thế giới. Chẳng bao lâu khi ý kiến đó được nêu ra thì eo biển Hormuz, nơi có tới 40% lượng dầu mỏ xuất khẩu sang Mỹ và phương Tây đi lại mỗi ngày, trở nên nóng bỏng, với các cuộc tập trận quy mô lớn của Iran.

Hơn thế, Tehran đưa ra tuyến bố về việc đóng cửa eo biển Hormuz nếu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào chương trình hạt nhân cũng như hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Ngay lập tức, Mỹ lên tiếng cảnh báo, đồng thời đưa tàu sân bay tới gần eo biển Hormuz và điều bộ binh, các phương tiện chiến tranh tới Israel vừa tiến hành tập trận, vừa chuẩn bị chiến dịch quân sự nhằm vào Iran. Anh cũng phái các chiến hạm tới vùng Vịnh và có những động thái bất thường. Tình hình ở vùng Vịnh rất nguy hiểm vì trong trường hợp một chiến dịch quân sự dù với quy mô nhỏ xảy ra eo biển Hormuz, nhưng ngay lập tức sẽ dẫn đến xung đột toàn cầu, lôi kéo gần như tất cả các nước trong khu vực tham gia.

Trong khi đó, thái độ quyết đoán của Trung Quốc đơn phương tuyên bố có chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông và gia tăng sự hiện diện về quân sự ở đây đã làm tình hình trở nên căng thẳng, đe dọa tới sự an toàn của tuyến vận tải hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới, sau hàng loạt sự cố xảy ra trong năm 2011. Các cuộc tranh cãi, phản đối liên tiếp diễn ra tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Trung Quốc một mặt tìm cách xoa dịu dư luận quốc tế và các nước liên quan; nhưng mặt khác vẫn tiến hành các hành động gây lo ngại, như  tiếp tục ra tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, cho tàu xâm phạm lãnh hải các nước có liên quan… Đặc biệt gần đây, Trung Quốc chuẩn bị đưa tàu thăm dò và dàn khoan dầu khí khổng lồ ra Biển Đông.

Cùng với thời điểm này, Mỹ lại thay đổi chiến lược quốc phòng, chuyển trọng tâm sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù tuyên bố muốn hợp tác với Trung Quốc vì sự phồn thịnh và an ninh tại khu vực này, Washington vẫn khẳng định sẽ tiếp tục phản đối một số khía cạnh trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, nơi có trữ lượng lớn về dầu khí và có nhiều tuyến giao thông hàng hải quan trọng. Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc không minh bạch trong chính sách quốc phòng.

Còn về vấn đề Biển Đông, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William S.Cohen, đồng Chủ tịch Hội đồng chiến lược Mỹ - ASEAN thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS) trong trong buổi thuyết trình chiều 9-1 tại Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta của Indonesia về quan hệ Mỹ -ASEAN đã khẳng định Biển Đông “phải là một vùng biển của tự do và an toàn lưu thông hàng hải”, các tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo ông Cohen, Mỹ muốn có vai trò trong quá trình thảo luận - đàm phán như “một nhân tố hỗ trợ thuận lợi” cho việc giải quyết tranh chấp, xung đột, chứ không phải vì mục đích quân sự.

Trước những động thái này của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân ngày 9-1 đã chỉ trích việc chiến lược quốc phòng mới của Mỹ đánh giá các mục đích chiến lược của Trung Quốc không minh bạch là “vô căn cứ và không đáng tin cậy”. Cùng ngày, trong một tuyên bố, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nhấn mạnh: “Chúng tôi đã cảnh báo về sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ, đồng thời sẽ giám sát chặt chẽ tác động từ sự điều chỉnh này lên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như các diễn biến an ninh toàn cầu. Những cáo buộc nhằm vào Trung Quốc của phía Mỹ trong chiến lược này là hoàn toàn không có cơ sở”.

Sự hục hặc Mỹ - Trung trong chiến lược quân sự ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, vấn đề Biển Đông nói riêng, đang thật sự nóng lên từng ngày. Đây là mối nguy cơ bất ổn rất lớn, nhất là khi tham vọng một cách vô lý của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông lại được áp đặt bằng các hành động gây hấn như thăm dò, khai thác dầu khí vùng biển tranh chấp, hoặc tấn công quân sự, đe dọa tới chủ quyền của các nước có liên quan, tới sự an toàn của tuyến vận tải hàng hải quan trọng của thế giới.      

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.