.

Sóng dữ từ bản ghi nhớ không chữ ký

Chính trường Pakistan lại xuất hiện những cơn sóng ngầm dữ dội có thể gây ra biến cố khó lường, khi Chính phủ dân sự nước này đang đấu khẩu với Tòa án, đặc biệt là quân đội, lực lượng có tiếng nói vô cùng quan trọng.

Nguồn gốc trực tiếp gia tăng căng thẳng giữa 2 bên là khi trả lời phỏng vấn tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc số ra mới đây, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani lên án việc Tư lệnh quân đội và Giám đốc cơ quan tình báo ra điều trần trước Tòa án Tối cao nước này về vụ Memogate là “bất hợp pháp” và “vi hiến”?! Ngay lập tức, người phát ngôn quân đội Pakistan nói rằng, những lời bình luận của Thủ tướng Gilani có “những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng mang nguy cơ dẫn tới những hậu quả tai hại cho đất nước”.

Nhưng có lẽ vụ Memogate là biểu hiện nguồn gốc xa hơn về các căng thẳng giữa quân đội và chính quyền. Vụ việc này bùng phát vào ngày 10-10-2011, khi một doanh nhân Mỹ gốc Pakistan, tiết lộ với Báo Financial Times rằng, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari thông qua đại sứ nước này tại Mỹ có thể đã chuyển cho Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ thông điệp yêu cầu Washington hỗ trợ nếu có đảo chính, và đổi lại Islamabad sẽ điều chỉnh chính sách phù hợp với Washington, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố.

Song ở một khía cạnh khác, vụ Memogate lại bắt đầu từ cuộc đột nhập bất ngờ của lực lượng đặc biệt Mỹ tiêu diệt Bin Laden vào ngày 2-5-2011 mà không báo trước với chính quyền Pakistan. Vụ tấn công khơi mào cho khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ giữa Mỹ với Pakistan và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Zardari lại sợ Tòa án Tối cao còn hơn cả quân đội, vì Chánh án Tòa án Tối cao đã hủy bỏ sắc lệnh hòa giải quốc gia (NRO), được áp dụng vào năm 2007 (NRO là cơ sở bảo đảm cho ông Zardari quyền được miễn truy tố). Theo Tòa án, sắc lệnh trên không còn hiệu lực nên Chính phủ phải phục hồi điều tra các vụ án tham nhũng, trong đó có việc ông Zardari bị nghi rửa nhiều triệu USD tại ngân hàng Thụy Sĩ. Song Thủ tướng Gilani vẫn thể hiện thái độ “bao che” cho Tổng thống.

Sự việc xem ra đã tạm lắng và có thể “chìm xuồng” nếu không có vụ Memogate. Tòa án tối cao Pakistan đã cáo buộc ông Gilani coi thường luật pháp cũng như quyết định của Tòa khi không mở lại cuộc điều tra tham nhũng. Đồng thời, Tòa cũng cho rằng, có những bằng chứng cho thấy Thủ tướng Gilani không trung thực vì vi phạm lời thề khi tuyên thệ nhậm chức và buộc ông ngày mai (19-1) sẽ phải giải trình trước Tòa về vấn đề nói trên.

Mặt khác, tháng 12-2011, căng thẳng giữa Chính phủ và quân đội Pakistan tưởng như đã kết thúc khi đích thân Tướng quân đội Ashfaq Kayani khẳng định không có việc này và Thủ tướng Gilani kêu gọi 2 bên cùng đoàn kết vì lợi ích dân tộc. Song, việc ông Gilani bất ngờ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Naeem Khalid Lodhi với lý do “quản lý kém và hành động bất hợp pháp” đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong giới chức quân đội.

Trước tình thế đó, ông Gilani đã cho rằng, các nhà lập pháp nước này  cần phải chọn lựa giữa nền dân chủ hoặc chế độ độc tài. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh nền dân chủ cần phải tồn tại, bất kể kết quả cuộc điều tra liên quan tới vụ Memogate như thế nào. Trong khi đó, một trong các đồng minh của Tổng thống Zardari đã đề xuất nghị quyết tại Quốc hội, cam kết “hoàn toàn đặt niềm tin” vào giới lãnh đạo chính trị Pakistan. Nghị quyết sẽ được đưa ra thảo luận trong tuần này. Ông Gilani nói rằng, nghị quyết không đi ngược lại bất kỳ cơ chế nào, kể cả ngành tư pháp lẫn quân đội. Theo ông, dự luật ủng hộ tiến trình dân chủ và sự liên tục của thể chế đại nghị ở Pakistan.

Tình hình đó cho thấy việc tồn tại chính phủ dân sự hiện nay của Pakistan quá mong manh và khó tránh khỏi bất ổn ở quốc gia Nam Á này nếu các bên liên quan không tính đến lợi ích tối cao của dân tộc là hòa bình và ổn định đất nước.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.