.

Thay đổi chiến lược quốc phòng

Mặc dù chiến tranh lạnh kết thúc, nhưng lâu nay Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong việc tăng ngân sách quốc phòng hằng năm. Đáng chú ý, hơn 10 năm qua, do phải tiến hành hai cuộc chiến tranh cùng một lúc và chống khủng bố trên quy mô toàn cầu, Mỹ không ngừng tăng ngân sách. Chỉ tính trong vài năm trở lại đây, cho thấy sự gia  tăng đó: Ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2010 là 636 tỷ USD;  năm 2011 là 672 tỷ USD.

Tuy nhiên, trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và món nợ công cả nước Mỹ vượt 15.000 tỷ USD, các nghị sĩ gia tăng áp lực buộc phải cắt giảm chi tiêu quân sự một cách đáng kể. Trước đó, vào tháng 6-2011, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn ngân sách quốc phòng năm tài chính 2012 là 664,6 tỷ USD (năm 2011 là 672 tỷ USD). Nhưng ngày 15-11-2011 , Ủy ban Quốc phòng của Thượng viện Mỹ (ASC) đề nghị cắt giảm thêm 27 tỷ USD ngân sách quốc phòng năm 2012. Cơ quan điều hành ngân sách của Thượng viện Mỹ đã dự báo về mức giảm chi đối với quân đội sẽ cắt giảm đáng kể. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, trong 5 năm tới, Mỹ sẽ cắt giảm 260 tỷ USD chi tiêu cho quốc phòng, đồng thời có kế hoạch trong vòng 10 năm tới cắt giảm hơn 450 tỷ USD chi tiêu cho quốc phòng.

Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng đã buộc Lầu Năm Góc phải thay đổi lại chiến lược cho phù hợp. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta thông báo chiến lược quốc phòng mới, trong đó sẽ chấm dứt chiến lược trước đây của Mỹ là duy trì một lực lượng quân sự có thể tham gia hai cuộc chiến tranh cùng lúc mà thay vào đó sẽ triển khai chiến lược chiến đấu và thắng một cuộc chiến tranh, trong lúc vẫn có khả năng ngăn chặn hay làm thất bại những hành động gây hấn tại nơi khác. Đồng thời ông Panetta loan báo kế hoạch giảm quân số, giảm nhân viên dân sự và hoãn một số chương trình mua sắm vũ khí, trong đó có một tàu sân bay. Ví dụ, trong vòng 10 năm, quân đội Mỹ từ 570 nghìn sẽ giảm xuống còn 520 nghìn, còn lực lượng lính thủy đánh bộ từ 202 nghìn sẽ giảm xuống còn 186 nghìn. Ngoài ra, Mỹ sẽ còn phải đóng cửa một số căn cứ quân sự, giảm kho vũ khí hạt nhân, đưa một số quân đang thường trực ở châu Âu về nước, phải rà soát lại hàng loạt các chương trình quân sự. Lầu Năm Góc đành phải từ bỏ chương trình thiết kế, sản xuất máy bay tiêm kích đa năng thế hệ thứ năm F-35 Lightning II, ngừng hẳn dự án đóng tàu tuần duyên LCS và hàng loạt các dự án khác, kể cả triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu…

Đáng chú ý, Lầu Năm Góc cũng nghĩ đến việc sẽ cắt giảm chi phí về nhân viên bằng cách duyệt lại hưu bổng của quân đội và chi phí bảo hiểm sức khỏe cho quân nhân và gia đình. Đây là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất đối với quân đội Mỹ, nhất là những binh lính tham gia chiến tranh ở Iraq, Afghanistan… nhưng trong bối cảnh ngân sách bị cắt giảm thì không thể không tính tới.

Phân tích về chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, một viên chức cao cấp trong chính quyền Mỹ được  hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn lời cho  rằng chiến lược quân sự mới sẽ được triển khai theo hướng phối hợp nguồn lực của các binh chủng hải, lục, không quân và thủy quân lục chiến. Mục tiêu nhắm tới là phá vỡ mọi mưu toan của các nước như Trung Quốc hay Iran, muốn ngăn cản không cho Mỹ tiến vào Biển Đông, vùng Vịnh Persian hoặc những khu vực chiến lược khác.

Rõ ràng, thay đổi lớn nhất trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ trong giai đoạn tới là việc Washington thừa nhận không thể duy trì bộ binh chiến đấu trong hơn một cuộc chiến lớn cùng lúc, xa rời chiến lược "cùng thắng" cả hai cuộc chiến tranh vốn chi phối các quyết định về ngân sách của Lầu Năm Góc trong nhiều thập kỷ qua.

Tuyết Minh

;
.
.
.
.
.