.

Thời tăng trưởng thần kỳ đã qua

Trong hơn một thập niên qua, việc kinh tế của Trung Quốc luôn có mức tăng trưởng trên 2 con số đã nhanh chóng đưa nền kinh tế nước này vượt qua Nhật Bản, lên vị trí số hai sau Mỹ vào giữa năm 2011.

Tuy nhiên, những tác động mạnh mẽ từ sự suy thoái kinh tế của các nước châu Âu và Mỹ cùng nhiều nước khác đã làm nền kinh tế Trung Quốc đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Hai thị trường xuất khẩu lớn hiện tại của Trung Quốc là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, vốn giữ hơn 1/2 tổng lượng hàng hóa xuất khẩu, sẽ không hỗ trợ cho tăng trưởng của Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế còn đầy khó khăn, thị trường mới không đủ lớn để bù lại sự thiếu hụt từ 2 thị trường trên.

Các số liệu cho thấy, đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 30% nhưng đến cuối năm, tỷ lệ tăng trưởng chỉ còn 13,8%. Riêng trong tháng 11-2011, xuất khẩu sang châu Âu chỉ tăng 5% và sang Mỹ 17%. Các doanh nghiệp nước ngoài đã bắt đầu “nhăn mặt” khi không còn trông đợi nhiều vào lợi thế khai thác nhân công rẻ của Trung Quốc và đang chuyển hoạt động sang các nước khác.

Tập đoàn Nomura Holdings của Nhật Bản nhận định, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 1 năm nay có thể chỉ còn 7,5% do tăng trưởng chậm lại và chính phủ thắt chặt tín dụng. Không chỉ vậy, cả chính quyền Trung ương và chuyên gia kinh tế tin rằng, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc vốn có được chủ yếu nhờ xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm nếu tính trong tương quan với GDP. Thặng dư ở mức 10,1% GDP vào năm 2007, năm 2010 ở mức 5,2% và năm 2012 có thể chỉ còn bằng nửa con số của năm 2010.

Nhận định về tình hình kinh tế trong nước, ngày 4-1, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, điều kiện kinh doanh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể “tương đối khó khăn” trong quý đầu năm 2012 do “nhu cầu từ bên ngoài suy yếu và chi phí của các doanh nghiệp tăng cao”. Ông Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố chính sách tiền tệ có thể được điều chỉnh nếu cần thiết.

Còn các nhà kinh tế tại Barclays Capital và Bank of America cho rằng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm yêu cầu dự trữ trước Tết Nguyên đán sắp tới. Đây sẽ là lần hạ dự trữ bắt buộc thứ hai của Trung Quốc kể từ năm 2008. Trung Quốc đang chuyển sự tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng hơn là vấn đề lạm phát nhằm giảm thiểu tác động từ khủng hoảng nợ công châu Âu khiến nhu cầu xuất khẩu giảm sút.

Tờ Les Echos (Pháp) số ra mới đây có bài phân tích lo ngại về quả bong bóng địa ốc tại Trung Quốc có dấu hiệu bị nổ. Bất ổn xã hội và việc chính phủ nước này thắt chặt tín dụng cũng sẽ làm giá nhà đất suy giảm nặng nề. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản chiếm tới 50% nguồn thu ngân sách các địa phương ở Trung Quốc. Khi giá đất sụt giảm 50% sẽ khiến các địa phương này gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn các món nợ công khổng lồ lên hàng trăm tỷ Nhân dân tệ. Một chuyên gia kinh tế của Anh nhận định: Trung Quốc có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế trầm trọng nếu các nền kinh tế thuộc EU và Mỹ không phục hồi mà tiếp tục đà lao dốc, viễn cảnh thị trường bất động sản trong nước tiếp tục ảm đạm.

Những nhân tố đó báo hiệu về thời tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc đã qua. Tình hình quốc tế có nhiều bất ổn, đặc biệt tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi - nơi cung cấp nguồn dầu mỏ vô cùng quan trọng cho thế giới, đã làm giá các nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đối với Trung Quốc.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.