Các khảo sát mới nhất cho thấy căng thẳng giàu - nghèo ở Mỹ đang gia tăng mạnh mẽ nhất trong gần 1/4 thế kỷ qua trong khi số người giàu ở cường quốc này chiếm 1/2 dân số giàu nhất thế giới. Người Mỹ hiện đối mặt với xung đột xã hội về sự bất bình đẳng giàu - nghèo hơn các vấn đề về nhập cư, quan hệ chủng tộc, tuổi già…
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vừa công bố đã phản ánh sự thay đổi nhận thức của người Mỹ đối với phân hóa xuất phát từ kinh tế. Vấn đề kinh tế vốn chiếm lĩnh hàng đầu trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2012 ở cường quốc số 1 thế giới, trong lúc tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, nghèo đói gia tăng và phong trào biểu tình “Chiếm phố Wall” chưa thật sự kết thúc. Ngay trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire vào ngày 10-1 vừa qua, kinh tế cũng được cử tri quan tâm nhất. Họ đã bỏ phiếu cho cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney bởi kỳ vọng doanh nhân này sẽ tạo ra sự thay đổi cho bức tranh kinh tế của nước Mỹ.
Tổng thống Barack Obama đang chuẩn bị chiến dịch tranh cử với thông điệp dành cho tầng lớp trung lưu, trong đó kêu gọi tăng thuế với người giàu. Ông Obama muốn buộc giới nhà giàu, vốn chỉ chiếm 1% trong xã hội Mỹ, phải hy sinh nhiều hơn. Theo Pew, thanh niên Mỹ, Đảng Dân chủ, người Mỹ gốc Phi đều nói về sự bất đồng mạnh mẽ giữa người giàu và người nghèo. 46% người Mỹ cho rằng, người giàu là do may mắn được sinh ra trong những gia đình giàu hoặc có những liên kết phù hợp. 43% cho rằng, người giàu chủ yếu do công việc, tham vọng hoặc trình độ học vấn của họ…
Theo khảo sát mới đây của Viện Gallup, hơn 1/2 số người dân Mỹ khẳng định giảm khoảng cách giàu - nghèo là điều rất quan trọng, so với việc nói rằng các chính sách tăng trưởng kinh tế nên là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Chuyên gia phân tích Richard Morin nhận định: Sự thay đổi thái độ của người Mỹ trong thời gian ngắn minh chứng thu nhập và sự giàu có đang bất bình đẳng, mà phong trào “Chiếm phố Wall” là dẫn chứng cụ thể, sống động nhất. Đánh thuế cao vào giới nhà giàu, ông Obama có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của 99% số người Mỹ, những người đã xuống đường và hô khẩu hiệu: “Chúng tôi là 99%” vào cuối năm ngoái.
VĨNH AN