.

An ninh cho Olympic London 2012

Chỉ còn khoảng 5 tháng nữa, Thế vận hội Olympic London 2012 sẽ diễn ra. Hai nhiệm vụ trọng tâm mà nước chủ nhà tích cực chuẩn bị trong những năm qua là xây dựng cơ sở vật chất cho việc ăn, ở, đi lại, thi đấu và công tác an ninh. Theo số liệu chưa đầy đủ, sẽ có khoảng 20.000 vận động viên, huấn luyện viên, nhân viên kỹ thuật và gần 2 triệu du khách mua vé dự khán các trận thi đấu tại 100 điểm khác nhau.

Chính sự an toàn tuyệt đối của Olympic Bắc Kinh 2008 đã tạo sức ép cho hệ thống an ninh của London lần này. Kỳ Thế vận hội trước, Trung Quốc đã lắp đặt tới 300.000 camera an ninh, triển khai 100.000 thành viên lực lượng chống khủng bố, huy động 440.000 nhân viên an ninh, sử dụng tên lửa đất đối không ở những địa điểm chính. Chi phí cho an ninh ở Olympic 2008 lên tới 7 tỷ USD.

Trong khi đó, nước Anh đã trải qua ngày lịch sử 7-7-2005 với 52 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương khi 4 kẻ khủng bố người Anh đánh bom tự sát trên tàu điện ngầm và xe buýt 2 tầng ở London. Lực lượng khủng bố sử dụng những quả bom tự chế giấu trong balô. Loạt vụ đánh bom đẫm máu này xảy ra chỉ đúng một ngày sau khi London được chọn đăng cai Thế vận hội và Thế vận hội cho người khuyết tật năm 2012. Vì vậy, mặc dù 2 trùm khủng bố Al-Qaeda là Osama bin Laden và Anwar al-Awalki đã bị tiêu diệt, nhưng Cơ quan tình báo Anh cho biết, tổ chức khủng bố Al-Qaeda vẫn là mối đe dọa nguy hiểm hơn bao giờ hết. Mặt khác, quan chức Tổng cục An ninh Anh (MI5) và Tổng cục Tình báo (MI6) tiết lộ có khoảng 200 kẻ cực đoan sinh sống tại Anh đang lập kế hoạch khủng bố.

Cơ quan tình báo Anh mô tả Thế vận hội Olympic London 2012 là chiến dịch an ninh lớn nhất trong lịch sử nước này. Các nhà chức trách cho rằng, khủng bố sẽ tránh nhằm mục tiêu vào các địa điểm diễn ra Thế vận hội - vốn được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, mà có thể sử dụng những chiến thuật khác như giấu chất nổ trong áo vest, trà trộn vào đám đông. Với chiến thuật này, một quả bom có thể giết chết cùng lúc 120 người. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond tuyên bố việc giữ vững an ninh cho Thế vận hội sẽ do lực lượng an ninh đảm nhận, nhưng quân đội cũng sẽ đóng góp phần quan trọng không kém. Khoảng 5.000 binh lính sẽ được điều động hỗ trợ lực lượng cảnh sát, hơn 7.500 binh sĩ được phân bổ tại các khu thi đấu và 1.000 binh sĩ khác làm công tác hậu cần. Bên cạnh đó, quân đội cũng tăng cường 2 tàu sân bay là HMS Ocean và HMS Bulwark đóng tại Greenwich, London và vịnh Weymouth, Dorset trong suốt kỳ thi đấu. Còn Bộ trưởng Thế vận hội Hugh Robertson cho biết, Chính phủ đã đồng ý chi thêm 424 triệu USD để tăng nhân viên an ninh từ 10.000 lên 23.700 người. Toàn bộ số nhân viên an ninh này được giao nhiệm vụ bảo vệ hơn 100 nơi thi đấu trên toàn nước Anh.

Để từng bước hoàn thiện công tác chuẩn bị, Cảnh sát London sẽ tiến hành diễn tập an ninh lớn nhất từ trước tới nay. Cuộc diễn tập này sẽ thử nghiệm khả năng phản ứng của các cơ quan khẩn cấp và Chính phủ Anh với kịch bản vụ tấn công khủng bố xảy ra vào ngày 7 hoặc 8-8, theo kế hoạch là hai ngày bận rộn nhất của Thế vận hội Mùa hè, và hệ thống tàu điện ngầm cũng như mạng lưới giao thông nói chung là mục tiêu.

Người Anh đã cẩn thận cho công tác an ninh, người Mỹ còn cẩn thận hơn. Mỹ dự định cử hẳn 1.000 nhân viên an ninh tháp tùng các thành viên của đoàn thể thao đến London. Trong số này, có tới 500 người thuộc Cục Điều tra liên bang (FBI). Theo Chính phủ Mỹ, tổ chức khủng bố Al-Qaeda hoặc các đồng minh có thể tìm cách xâm nhập Olympic để tấn công các thành viên đoàn thể thao Mỹ. Động thái này của Mỹ đương nhiên khiến người Anh cảm thấy không thoải mái.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.