.

Chiến lược quốc phòng mới của Úc

Căn cứ vào những diễn biến thực tế và dự đoán trong tương lai gần, trong khuôn khổ chuẩn bị một chiến lược quốc phòng mới cho 2 thập niên tới, Bộ Quốc phòng Úc đã đặt ra mục tiêu lớn để đào tạo, huấn luyện binh sĩ và trang bị vũ khí cho quân đội, nhất là lực lượng Hải quân. Các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng Úc thúc giục quân đội nước này phải tăng cường đủ tiềm lực để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở phía Bắc, canh chừng tình hình bất ổn tại Biển Đông và gia tăng hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương. Đó là 3 mục tiêu mà quân đội Úc đảm trách trong chiến lược quốc phòng mới.


Cuối thế kỷ 20, Úc là quốc gia công nghệ sản xuất và nông nghiệp. Tất cả tài nguyên lớn nằm ở Đông Nam và Tây Nam, chung quanh Sydney và Perth. Đầu thế kỷ 21, trọng tâm của nền kinh tế Úc là vấn đề khai thác tài nguyên phần lớn ở phía Bắc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Stephan Smith tuyên bố với báo chí mới đây rằng, tình trạng phòng thủ lỏng lẻo ở phía Bắc Úc sẽ làm hỏng chiến lược quốc phòng, không phục vụ cho kinh tế đất nước. Do đó, tăng cường quốc phòng, bao gồm sự hiện diện của hải quân, không quân, bộ binh ở phía Bắc Úc là để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ kim loại đến dầu khí vô cùng quan trọng này.


Còn tại châu Á, trong Sách Trắng về quốc phòng năm 2009,  Úc gián tiếp xem Trung Quốc là mối đe dọa cho tới năm 2030 và đặc biệt là đe dọa từ Biển Đông - nơi mà Bắc Kinh đang phát triển sự hiện diện của lực lượng hải quân. Điều quan tâm của Úc là phải bảo vệ an ninh, bảo vệ tuyến giao thông hàng hải này. Đặc biệt, việc Mỹ chuyển hướng chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương là cơ hội tốt để Úc củng cố vị thế của mình. Đại sứ Úc tại Washington Kim Beazley, người từng giữ cương vị Thứ trưởng Quốc phòng, nói với phóng viên ABC rằng: “Sự định hướng lại trọng tâm (của Mỹ) tập trung vào chiến lược hàng hải và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều rất có ý nghĩa với chúng ta”. Tiến sĩ Rod Lyon, Giám đốc Chương trình Quốc tế và Chiến lược thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc, cũng tán thành nhận định của Đại sứ Beazley về cơ hội lớn cho đất nước này khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược.


Đối với mục tiêu thứ ba, tuy Úc không coi Ấn Độ là mối đe dọa, nhưng đứng về phương diện kế hoạch quốc phòng, Chính phủ Canberra cần phải tập trung bảo vệ quyền lợi quốc gia, bất kể đe dọa đó có hay không có và đến từ nước nào. Mặt khác, nghiên cứu của nước này cho thấy, các tuyến đường biển ở châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương đang ngày càng trở nên đông hơn, nóng bỏng hơn và có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang nên Úc buộc phải tính đến việc chuẩn bị cho một chiến lược tầm xa.


Vì mục tiêu quốc phòng trong 20 năm tới, Canberra phải tái bố trí lực lượng vũ trang song song với kế hoạch nâng cấp liên minh quân sự với Mỹ, cho phép Washington lập căn cứ thủy quân lục chiến tại Bắc Úc, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận song phương và đa phương với Mỹ, Nhật Bản, Singapore... Ngoài ra, Chính phủ Úc dự kiến chi 72 tỷ USD để Bộ Quốc phòng nước này nâng lực lượng tàu ngầm lên 12 chiếc, trang bị thêm 3 khu trục hạm có khả năng không chiến, mua 100 chiến đấu cơ tàng hình F35 của Mỹ.


Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Smith cũng cho hay, Úc cần được Ý và Mỹ cung cấp gấp giá cả của phi đội từ 10-14 chiếc máy bay vận tải loại trung bình C-27J. Loại phi cơ này do hai hãng Alenia Aeronautica của Ý và Lockheed Martin của Mỹ hợp tác chế tạo. Úc cũng đang tính mua phi cơ EADS Airbus C-295 để thay thế cho các máy bay Caribou có từ thời chiến tranh Việt Nam. Canberra cũng đã bắt đầu thực hiện chương trình nâng cấp trang thiết bị quốc phòng trị giá 25 tỷ USD từ cuối năm 2011. Trong số này có những tàu khu trục loại mới có khả năng bảo vệ không phận, 2 tàu vận tải đổ bộ loại lớn, các máy bay trực thăng, xe tăng, hỏa tiễn hành trình có tầm hoạt động xa...


Chính chiến lược quốc phòng với 3 mục tiêu nói trên của Úc đang thu hút sự chú ý của Trung Quốc và các nước có liên quan.


TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.