Để bảo vệ đồng minh, Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani đã không chấp hành quyết định của Tòa án Tối cao nước này mở lại hồ sơ vụ án tham nhũng liên quan tới đương kiêm Tổng thống Asif Ali Zardari.
Ngày 13-2, Thủ tướng Gilani bị Tòa án Tối cao Pakistan buộc tội xúc phạm tòa. Vụ việc đang làm dấy lên những căng thẳng chính trị ở Pakistan khi đất nước này đang phải đương đầu với nhiều vấn đề, từ những khó khăn kinh tế đến sự trỗi dậy của lực lượng Taliban. Tòa đã ra phán quyết 6 tháng tù và truất quyền Thủ tướng đối với ông Gilani. Nhưng ngay lập tức, luật sư của ông nói rằng Thủ tướng Gilani sẽ tiếp tục giữ vị trí của mình, trừ khi bị Ủy ban bầu cử ra quyết định cách chức.
Trước đó, ngày 16-1, Tòa án Tối cao Pakistan đã cảnh cáo ông Gilani về tội coi thường tòa. Trong nghi án tham nhũng, Tổng thống Zardari cùng vợ là cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, người bị ám sát vào năm 2007, đối mặt với cáo buộc sử dụng các tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ để rửa khoảng 12 triệu USD tiền hối lộ của các công ty tìm kiếm những hợp đồng kiểm tra hải quan ở Pakistan từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, Chính phủ Pakistan từ chối truy tố Tổng thống Zardari vì cho rằng, ông được hưởng quyền miễn trừ truy tố với tư cách là nguyên thủ quốc gia và chỉ trích hành động của Tòa án mang động cơ chính trị.
Theo nhiều nhà phân tích, Chính phủ Pakistan đang rơi vào tình thế cô lập bởi động thái của Tòa án Tối cao đối với Tổng thống và Thủ tướng Pakistan cho thấy, các quan tòa không ưa 2 chính trị gia này. Tòa án Tối cao là cơ quan đóng vai trò quan trọng ở Pakistan, từng đứng sau phong trào lật đổ cựu Tổng thống Pervez Musharraf cách đây 4 năm. Năm 2009, mối quan hệ giữa Tòa án Tối cao và Chính phủ Pakistan từng căng thẳng khi các thẩm phán tuyên bố bãi bỏ sắc lệnh ân xá đối với Tổng thống Zardari và 8.000 người bị cáo buộc tham nhũng, do cựu Tổng thống Musharraf ký vào năm 2007.
Theo Tòa án Tối cao, sắc lệnh trên không còn hiệu lực nên Chính phủ phải phục hồi điều tra các vụ án tham nhũng, trong đó có việc ông Zardari bị nghi rửa nhiều triệu USD tại Ngân hàng Thụy Sĩ. Song, từ đó đến nay, ông Gilani vẫn thể hiện thái độ “bao che” cho Tổng thống. Vụ việc đã tạm lắng và có thể “chìm xuồng” nếu không có bức thư tay mà ông Zardari đề nghị Mỹ giúp đỡ nếu xảy ra đảo chính. Từ đây, Chính phủ Pakistan lại vấp phải sự đối đầu từ quân đội.
Với động thái mới nhất của Tòa án Tối cao Pakistan, một cuộc chiến pháp lý sẽ lại xảy ra trên chính trường nước này trong những ngày tới. Điều đó đồng nghĩa với việc đẩy quốc gia Nam Á rơi vào sự hỗn loạn về chính trị, thậm chí cả nguy cơ đảo chính quân sự như đã từng diễn ra dưới thời Tướng Musharraf.
TUYẾT MINH