.

Hợp tác đấu tranh chống khủng bố

Dù không nóng bỏng, không phức tạp như ở Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á, nhưng nguy cơ khủng bố ở khu vực Đông Nam Á vẫn rất lớn, tập trung vào một số nước như: Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia. Các nhóm khủng bố ở Đông Nam Á có liên hệ với Al-Qaeda vẫn tiến hành phát triển lực lượng, kêu gọi đóng góp tài chính, thậm chí đưa ra những cảnh báo tấn công.

Ông Rohan Gunaratna, chuyên viên Viện Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược (IDSS) ở Singapore, cho biết có khoảng 1.000 tổ chức khủng bố tại Đông Nam Á đang sử dụng internet để tuyên truyền, thu hút hội viên và quyên tiền. Điều đó cho thấy tình hình vẫn rất nguy hiểm nếu các nước không nâng cao cảnh giác, phối hợp hành động để ngăn chặn ngay từ khi khủng bố còn manh nha.

Ba vụ tấn công khủng bố liên tiếp chiều 14-2 vừa qua tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) là dấu hiệu đáng lo ngại. Thủ phạm bước đầu được xác định là một nghi can người Iran. Mở rộng điều tra, cảnh sát Thái Lan bắt thêm 3 đối tượng gồm 2 nam và một nữ, đều sống tại tòa nhà Naza Vegas thuộc quận Watthana. Trước đó, cảnh sát Thái Lan thẩm vấn một công dân Lebanon có liên quan tới âm mưu khủng bố tại Bangkok, ngay sau khi Mỹ cảnh báo về nguy cơ xảy ra tấn công vào khách du lịch ở thành phố này.

Còn tại Philippines, quân đội đã tiêu diệt được trùm khủng bố đang bị truy lùng gắt gao nhất Đông Nam Á cùng 2 phiến quân cao cấp khác hôm 2-2 trong cuộc không kích có hậu thuẫn từ phía Mỹ. Đại tá Marcelo Burgos cho biết, trong số những người chết có Zulkifi bin Hir (người Malaysia), được biết với biệt danh Marwan - trùm của mạng lưới khủng bố Jemaah Islamiyah có liên hệ với Al-Qaeda. Ngoài ra, Umbra Jumdail - lãnh đạo của phiến quân Abu Sayyaf (Philippines) và Abdullah Ali - lãnh đạo phiến quân (Singapore) cũng bị tiêu diệt trong trận không kích này. Washington đã treo thưởng 5 triệu USD cho ai bắt được Marwan, từng là một kỹ sư du học tại Mỹ, bị cáo buộc liên quan tới hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu tại Philippines và huấn luyện các phiến quân mới.

Lực lượng chống khủng bố của Mỹ đã trợ giúp đắc lực cho quân đội Philippines trong việc truy tìm Marwan nhờ các thiết bị hiện đại như vệ tinh và máy bay không người lái. Khoảng 600 binh lính thuộc lực lượng đặc biệt của Mỹ đã triển khai ở miền nam Philippines từ năm 2002, hỗ trợ đáng kể cho các chiến dịch chống khủng bố của Manila.

Thông cáo báo chí ngày 27-2 của Đại sứ quán Anh tại thủ đô Jakarta (Indonesia) cho biết, London ủng hộ chương trình chống khủng bố ở Đông Nam Á bằng cách triển khai một khóa huấn luyện tại Indonesia nhằm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực. Cùng ngày, Đại sứ Anh Mark Canning đã dự lễ khai mạc khóa quản lý điều tra chống khủng bố khu vực tại Trung tâm phối hợp thực thi luật pháp (JCLEC) ở thủ phủ Semarang của tỉnh Trung Java (Indonesia). Thông cáo nêu rõ: “Khóa huấn luyện tập trung vào việc điều phối giữa các cơ quan thực thi luật pháp khu vực với tư pháp hình sự trong việc xử lý các vụ điều tra nhiều cấp thẩm quyền để ngăn chặn khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực”. Các sĩ quan thực thi luật pháp cấp cao của Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Philippines, Campuchia và Indonesia cũng tham dự khóa huấn luyện trên. JCLEC được thành lập vào năm 2004 thông qua thỏa thuận song phương giữa Úc và Indonesia, trong khi Anh tham gia chương trình này một năm sau đó.

Bên cạnh sự trợ giúp từ bên ngoài, các nước Đông Nam Á cũng đã nỗ lực với nhiều chương trình hợp tác toàn diện như: trao đổi thông tin tình báo; lập cơ quan điều phối; hội nghị cấp  cao những người đứng đầu quân đội, cảnh sát thường niên... Những hoạt động này góp phần đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả nạn khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và cứu hộ, cứu nạn.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.