“Niềm tin chiến lược” là kêu gọi của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo doanh nghiệp trong chuyến công du đến nền kinh tế lớn nhất thế giới từ ngày 13 đến 17-2. Điều mà ông Tập Cận Bình mong muốn là bằng việc kết nối thông tin chặt chẽ hơn, cả hai nước sẽ hành động để giảm thiểu hiểu nhầm và nghi ngờ sau những căng thẳng về tiền tệ, việc gia tăng sức mạnh quân sự hay vấn đề Syria...
Đây là chuyến đi vừa nhằm “mềm hóa” quan hệ Trung - Mỹ, vừa hàn gắn niềm tin giữa 2 cường quốc. Đây cũng là chuyến công cán xoa dịu những bất đồng trong quá khứ và hiện tại, “dọn đường” cho quan hệ Trung - Mỹ trong tương lai, nhất là khi ông Tập Cận Bình được cho là sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sau Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm nay.
Đối mặt với cuộc bầu cử vào tháng 11 tới trong lúc tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức cao, Tổng thống Obama muốn sử dụng cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Trung Quốc tại Nhà Trắng lần này để đổ lỗi cho sự không công bằng trong giao dịch thương mại, xuất phát từ việc Bắc Kinh định giá đồng Nhân dân tệ thấp. “Dòng chảy thương mại cân bằng” giữa Mỹ với Trung Quốc trong hệ thống kinh tế thế giới mà ông Obama đề cập đến là điều Washington mong muốn, nhưng Bắc Kinh không dễ dàng thay đổi tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Theo thống kê của Chính phủ Bắc Kinh, năm 2011, hàng xuất khẩu của Mỹ nhập vào Trung Quốc đạt 122,2 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm trước đó; trong khi hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ tăng vọt đến 324,5 tỷ USD.
Ông Tập Cận Bình cho rằng, quan hệ kinh tế và thương mại Trung - Mỹ là nền tảng cho tất cả các quan hệ song phương. Vì vậy, việc thúc đẩy niềm tin chiến lược, thu hẹp khoảng cách “lỗ hổng niềm tin” sẽ mang lại lợi ích cho cả hai, Mỹ cần giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm thâm hụt thương mại, gia tăng ảnh hưởng quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như cần lá phiếu của Bắc Kinh trong các vấn đề quốc tế. Còn Trung Quốc cũng cần đến “người khổng lồ” thế giới bởi Washington vẫn đang là cường quốc hàng đầu.
VĨNH AN