.

Thời cơ để Trung Quốc thâu tóm

Cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu vẫn chưa có lối thoát. Liên minh châu Âu (EU) muốn tìm sự trợ giúp bên ngoài để cứu vãn tình thế. Do Mỹ đang vật lộn với món nợ công khổng lồ hơn14.000 tỷ USD, nên chỉ còn trông chờ vào Trung Quốc, quốc gia có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất hiện nay trên thế giới.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso ngày 14-2 đã đến Bắc Kinh để tham dự Hội nghị cấp cao Trung Quốc - EU. Một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự là việc Trung Quốc tham gia giải quyết vấn đề nợ công của EU. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay vẫn chưa đưa ra cam kết chắc chắn nào về việc hỗ trợ tài chính cho châu Âu, mặc dù các nhà lãnh đạo châu lục này không ngừng kêu gọi Bắc Kinh đầu tư vào các quỹ trợ giúp tài chính.

Trong khi đó, chớp lấy cơ hội lớn do chính những căng thẳng tài chính và kinh tế nghiêm trọng tại khu vực đồng euro (eurozone) đem lại, các công ty và quỹ đầu tư Trung Quốc dư giả tiền mặt đã đẩy mạnh đầu tư vào châu Âu, như ngành sản xuất điện ở Bồ Đào Nha, lĩnh vực hóa học ở Na Uy, công nghiệp sản xuất máy công cụ ở Đức, hay lĩnh vực du thuyền hạng sang ở Ý… Một số thương vụ mua bán thu hút sự chú ý của giới kinh doanh là việc Quỹ Đầu tư quốc gia China Investment Corp. (Trung Quốc) trị giá 400 tỷ USD sẽ đầu tư lượng lớn ngoại tệ để mua cổ phần của Công ty điện Thames Water (Anh); China Three Gorges hồi tháng 12-2011 qua mặt nhiều đối thủ mua 21,35% cổ phần Energias de Portugal (Bồ Đào Nha) với giá 2,7 tỷ euro; Shandong Heavy Industry đồng ý trả 374 triệu euro mua 75% cổ phần trong Công ty đóng du thuyền hạng sang Ferretti Group (Ý)…

Theo thống kê chính thức mới nhất, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu năm 2010 tăng gấp 2 lần, lên 6,7 tỷ USD. Trong năm 2011, châu Âu thu hút 10 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc. Trong tổng số các vụ đầu tư để mua lại hay sáp nhập công ty, 34% là của Trung Quốc, trong khi châu Á chỉ chiếm 27% và Bắc Mỹ 21%. Giới phân tích dự báo xu hướng thâu tóm công ty của Trung Quốc tại châu Âu sẽ tiếp diễn trong bối cảnh kinh tế eurozone xấu đi. Việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư trực tiếp vào châu Âu khiến các nhà lãnh đạo, các tập đoàn kinh tế và một số chính đảng tại châu lục này quan ngại rằng, Bắc Kinh có thể giành được quá nhiều ảnh hưởng tại đây. Theo một số nhà quan sát, chiến lược thâm nhập châu Âu của Trung Quốc đã phần nào gây chia rẽ trong nội bộ lục địa này. Nếu các nước đang gặp khó khăn như Hy Lạp, Bồ Đào Nha hoặc Ireland rất hoan nghênh bàn tay giúp đỡ của Trung Quốc, thì các cường quốc như Pháp hay Đức dè dặt hơn. Thêm vào đó, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc đổ nhiều tiền vào châu Âu không phải là phương thuốc chữa bệnh khủng hoảng nợ dai dẳng của châu lục này. Bởi lẽ, bản chất nợ công của châu Âu mang tính cơ cấu chứ không phải là thiếu tiền để Trung Quốc mở “hầu bao”.

Còn đối với Trung Quốc, sự lâm nguy về kinh tế hiện nay của châu Âu là thời cơ vàng để Bắc Kinh thâu tóm một số ngành, một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế EU trước mắt và lâu dài, từ đó tạo vị thế về kinh tế trên trường quốc tế.

Trên một bình diện khác, Trung Quốc cũng đang tăng cường đầu tư ra nhiều châu lục khác. Nếu vào đầu năm 2000, trị giá đầu tư hải ngoại chỉ chiếm 2,6% GDP của Trung Quốc, thì hiện nay tỷ lệ này lên đến 5,3% GDP. Điều đó cho thấy Trung Quốc muốn vươn xa hơn nữa chứ không riêng gì châu Âu.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.