.

Mong manh

Hai ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ xuất hiện trên truyền hình vào ngày 2-5 tới trong cuộc tranh luận được dự báo là sôi nổi, mang tính quyết định cho lá phiếu của cử tri. Tuy nhiên, không chờ đến ngày 2-5, mà vào ngày 26-4, cả Tổng thống Nicolas Sarkozy lẫn ứng viên Đảng Xã hội Francois Hollande đều lần lượt lên truyền hình trong chương trình kéo dài 2 tiếng đồng hồ.

Thật ra, cử tri không cần xem và lắng nghe thì cũng biết những nội dung chủ yếu mà ông Sarkozy và ông Hollande đề cập, tức là vấn đề chính sách nhập cư, thuế, việc làm, kinh tế... Chiếm vị trí thứ hai để vào vòng trong, Tổng thống Sarkozy cam kết “bảo vệ cuộc sống của người Pháp”. Song, theo nhiều nhà quan sát, cơ hội để ông tiếp tục nắm quyền ở Điện Elysee thật mong manh. Nguyên nhân thất bại của ông Sarkozy trước đối thủ Hollande trong vòng một dễ dàng được nhận biết. Với 27,1% số phiếu dành cho Sarkozy, trong khi ông Hollande giành được 28,6%, “thất bại mang tên Sarkozy” đã được dự báo trước đó khi nhà lãnh đạo này được gắn rất nhiều biệt danh, trong đó có tên gọi “Tổng thống siêu cuội”.

Rồi hình ảnh của ông Sarkozy được mô tả xa xỉ, bóng bẩy, thiếu lịch sự, thiếu nhẹ nhàng, thiếu điềm đạm - tương phản với hình mẫu chính trị gia truyền thống ở Pháp. Trong khi đó, tình hình thực tế không thể vớt được điểm cho ông: tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 10%, các tập đoàn Nhà nước thua lỗ hơn 124 tỷ euro, nợ công tăng lên gần 90%.

Còn “ngài bình dân” Hollande giản dị hơn, quan tâm đến cuộc sống của tất cả tầng lớp cử tri với cam kết tăng chi tiêu Chính phủ, giảm tuổi hưu, tăng lương tối thiểu và đánh thuế 75% những người có thu nhập trên 1 triệu euro/năm.

Thông điệp của người dân Pháp là muốn thay đổi và mong chờ sự thay đổi. Ông Sarkozy cũng cam kết nếu tái đắc cử sẽ kêu gọi trưng cầu dân ý đối với “những quy định vàng” để cân bằng ngân sách. Song, cuộc chiến ngày 6-5 sẽ không dễ với vị Tổng thống này. Lời hứa về “quy định vàng” để kiểm soát ngân sách cũng không dễ chiếm được lòng tin của cử tri nữa. Với ông Sarkozy, con đường đến Elysee xem ra rất hẹp và cánh cửa mới nhiều khả năng mở ra cho ứng viên Xã hội.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.