Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ đề xuất tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với Tổng thống Mahmoud Abbas khi ông gặp gỡ Thủ tướng Salam Fayyad tại Jerusalem vào ngày 17-4 tới. Đây có vẻ là tín hiệu vui cho Trung Đông vốn bất ổn vì sự đối đầu giữa Israel và Palestine. Nhưng vẫn chưa thể khẳng định về triển vọng hòa bình tại khu vực vốn được gọi là “chảo lửa” này bởi vẫn còn đó những quan ngại, những hoài nghi khi không bên nào chịu nhượng bộ và không bên nào thật sự tỏ thiện chí.
Cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Israel với người đồng cấp Palestine là dịp hiếm hoi để Tel Aiv và người láng giềng ngồi lại để tháo gỡ bế tắc. Đây là cuộc họp cấp cao nhất đầu tiên giữa 2 bên kể từ khi tiến trình hòa bình bị đình trệ cách đây hơn 18 tháng.
Nimr Hammad, cố vấn chính trị của ông Abbas cho rằng, nếu Thủ tướng Netanyahu gặp gỡ nhà lãnh đạo Palestine, trước hết Israel phải công bố việc ngừng các khu tái định cư và chấp nhận đường biên giới phân chia vào năm 1967 - những điều kiện căn bản của đàm phán. Phát biểu của ông Hammad hàm ý Palestine không thay đổi quan điểm khi khăng khăng yêu cầu Israel phải ngừng dự án tái định cư người Do Thái ở Bờ Tây.
Một năm sau khi các cuộc đàm phán hòa bình bị đổ vỡ, những nhà ngoại giao của Bộ Tứ Trung Đông đã kêu gọi nối lại đối thoại trực tiếp, nhưng nỗ lực này không mang lại kết quả khả quan nào. Ngày 11-4, nhóm Bộ Tứ Trung Đông đã nhóm họp ở Washington (Mỹ) để tìm cách tháo gỡ bế tắc, nhưng cuộc gặp này lại kết thúc với một tuyên bố nhạt nhẽo, trong đó thúc giục cả Israel lẫn Palestine “cải thiện môi trường để nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp”. Tuyên bố được Israel hoan nghênh nhưng phía Palestine thờ ơ. Điều mà Palestine cần là hành động của Bộ Tứ Trung Đông đối với giải pháp 2 Nhà nước. Theo đó, các nhà ngoại giao của LHQ phải có cơ chế để buộc Israel ngừng các khu tái định cư Do Thái.
Lần cuối cùng ông Abbas và ông Netanyahu gặp nhau là tháng 9-2010, từ đó không có cuộc gặp cấp cao nào nữa.
VĨNH AN