“Hợp tác là những gì mà chúng ta có thể đề cập tại Baghdad”, ông Saeed Jalili, nhà đàm phán hạt nhân của Iran với phương Tây, bình luận trên Đài Truyền hình Nhà nước Iran ngày 17-5, trước thềm đối thoại về hạt nhân diễn ra ở thủ đô Baghdad của Iraq vào tuần tới.
Phát biểu của ông Jalili dự báo những tín hiệu lạc quan khi Iran cùng P5+1 (5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ: Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) ngồi vào bàn đàm phán. Thậm chí, ông này còn mô tả rằng, sẽ không có bất kỳ tính toán sai lầm nào khi các nước liên quan cùng hiện diện ở Baghdad. Song, ông cũng cảnh báo một Iran cứng rắn sẽ chống lại áp lực từ phương Tây và các cuộc đàm phán ở thủ đô Iraq sẽ phải công nhận quyền được tiến hành chương trình hạt nhân của Tehran.
Hai chữ “hợp tác” mà ông Jalili đề cập không có nghĩa Iran sẽ nhượng bộ và từ bỏ chương trình làm giàu uranium theo yêu cầu của các cường quốc phương Tây. Trái lại, Tehran muốn loại bỏ những áp lực của phương Tây khi nghi ngờ quốc gia Hồi giáo này theo đuổi vũ khí hạt nhân. Không những 4 lần trừng phạt của LHQ thất bại mà đàm phán mới nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước cũng không mang lại kết quả nào mặc dù các bên liên quan đều ca ngợi những động thái tích cực tại Istanbul, tạo nền tảng cho cuộc gặp ở Baghdad lần này có những tiến trình thuận lợi.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lại quan ngại thiện chí của Iran, đồng thời khẳng định sẽ không dỡ bỏ những áp lực đối với Tehran nếu muốn thúc đẩy giải pháp hòa bình. Hơn nữa, phương Tây cho rằng, Iran đang lắp đặt thêm các nhà máy ly tâm trong lòng đất nhưng có thể không sử dụng để làm giàu uranium ở cấp độ 20% (theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế vào tháng 2 vừa qua) lên mức cao hơn, tiến đến việc tạo bom hạt nhân. Vô hình trung, nghi ngại của quan chức hàng đầu về ngoại giao của Mỹ và của phương Tây lại phủ bóng đen lên hội đàm Baghdad. Vậy thì “hợp tác” theo cách nói của ông Jalili vẫn là điều xa vời.
VĨNH AN