.

Tham vọng của ông Netanyahu

Israel dự kiến tổ chức bầu cử sớm vào ngày 4-9 tới, thay vì chờ đến năm 2013, sau khi Đảng cầm quyền Likud đệ trình dự luật giải tán Quốc hội.

Các quan chức Israel cho rằng, cuộc tổng tuyển cử sớm sẽ không ảnh hưởng đến quan điểm của nước này đối với chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran. Nhưng nhiều nhà phân tích nhận định: Trong quá trình chuẩn bị bỏ phiếu, Chính phủ Tel Aviv sẽ không tấn công vào nước Cộng hòa Hồi giáo như lời đe dọa vốn được tuyên bố rất nhiều lần. Thực tế, Thủ tướng Benjamin Netanyahu thúc đẩy bầu cử nhằm củng cố quyền lực giữa lúc căng thẳng trong nội bộ liên minh cánh hữu xung quanh các vấn đề trong nước, và nhất là khi các kết quả thăm dò đều cho thấy ông sẽ lại nắm quyền.

Sau một ngày chịu tang cha, Thủ tướng Netanyahu sẽ trở lại công việc vào ngày 6-5 tới và có thể quyết định ngày bỏ phiếu. Chính phủ cuối cùng của Israel hoàn tất nhiệm kỳ 4 năm trọn vẹn là thời của Thủ tướng Menachem Begin (1977-1981).

Thăm dò của nhật báo Maariv ngày 3-5 cho thấy, Đảng Likud của ông Netanyahu sẽ giành 31 ghế trong tổng số 120 ghế ở Quốc hội, tăng so với 27 ghế hiện tại. Trong khi đó, Công đảng trung tả giành được 18 ghế, Đảng cánh tả Kadima chỉ có 11 ghế so với 28 ghế trong cuộc bầu cử vào năm 2009. Và như thế, Likud sẽ trở thành đảng lớn nhất trong cơ quan lập pháp của Israel.

Đứng đầu một đảng lớn nhất, ông Netanyahu sẽ có quyền hình thành Chính phủ mới. Song, ông sẽ cần nhiều đối tác để chiếm đa số trong Quốc hội, giành quyền quyết định trong các vấn đề quan trọng để thúc đẩy điều hành hiệu quả của Chính phủ. Theo một số chính trị gia thế tục, Thủ tướng Netanyahu sẽ thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc và loại trừ các đảng tôn giáo thiểu số.

Theo một thăm dò khác do nhật báo Haaretz công bố ngày 3-5, 48% cử tri tin rằng, ông Netanyahu là ứng viên Thủ tướng nhiệm kỳ mới phù hợp nhất, tiếp đó lần lượt là ông Shelly Yachimovich của Công đảng với 15% phiếu ủng hộ và ông Shaul Mofaz của Đảng Kadima với 6% phiếu.

Tham vọng và sự thành bại trong sự nghiệp chính trị của ông Netanyahu gắn liền với cục diện ở Trung Đông, đặc biệt là kế hoạch hòa bình giữa Israel với Palestine và giải pháp đối phó với Iran, khi dư luận đều quan ngại về cuộc tấn công của Tel Aviv nhằm vào Tehran sẽ xảy ra trong tương lai gần.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.