.

Chiến lược ngoại giao mới của Nga

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi trở lại Điện Kremlin từ 31-5 khởi động cho một chiến lược ngoại giao mới. Ông sẽ dừng chân tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như: Belarus, Kazakhstan, Uzbekistan; Trung Quốc - nước láng giềng lớn nhất của Nga; và hai “người khổng lồ” châu Âu - Đức, Pháp.

Giới quan sát cho rằng, Nga dường như muốn tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc và ông Putin có đến 3 ngày ở lại nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới (từ ngày 3 đến 5-6); đồng thời thúc đẩy quan hệ sâu sắc hơn với Cộng đồng các quốc gia độc lập; cũng như có những hoạt động tương tác với châu Âu để cân bằng ngoại giao.

Sau khi ông Putin nhận nhiệm kỳ 3, các dự đoán cho rằng, chính sách ngoại giao của Nga sẽ hướng về phía Đông. Song, cũng có những ý kiến nhận định: Mátxcơva sẽ duy trì cân bằng ngoại giao giữa Tây và Đông. Điều đáng nói là trong các điểm đến lần này của ông Putin không có Mỹ, mà lại có Đức và Pháp - 2 đối tác kinh tế lớn của Nga. Sự vắng mặt của Tổng thống Putin tại Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G8 trong tháng 5 vừa qua ở Trại David (Mỹ) có thể dự báo mối quan hệ không nồng ấm giữa Nga với cường quốc hàng đầu thế giới, nhất là khi hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu vẫn làm Mátxcơva lo ngại.

Với châu Âu, khi ông Putin bắt đầu chuyến công du, người trợ lý Yury Ushakov nói rằng, sự hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU - Nga, chương trình phòng vệ tên lửa châu Âu, vấn đề Syria, Iran sẽ được đặt lên bàn nghị sự với 2 nhà lãnh đạo Đức và Pháp. Khi hiện diện ở Pháp, ông Putin sẽ thiết lập nền tảng trong quan hệ Mátxcơva - Paris dưới thời của tân Tổng thống Francois Hollande. Trong khi đó, Belarus và Kazakhstan đóng vai trò đáng kể trong quan hệ đối ngoại của Nga và giúp ông Putin tạo ảnh hưởng ở khu vực. Giới phân tích cho rằng, việc thắt chặt quan hệ với thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông Putin trong tương lai.  
VĨNH AN

;
.
.
.
.
.