Hai điểm nóng đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế là Syria và Tây Phi.
Tại Syria, xung đột vũ trang ngày càng nghiêm trọng, gây nhiều thương vong cho dân thường, đẩy quốc gia này tới bờ vực của cuộc nội chiến đẫm máu. Sự chia rẽ của các siêu cường trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria cũng là nhân tố làm cho các mâu thuẫn nội tại gia tăng, các bên xung đột không tìm được tiếng nói chung để ngăn chặn sự đổ máu. Ngày 5-6, Ngoại trưởng Saudi Arabia Saud Al-Faisal tuyên bố các nước Arab ở vùng Vịnh đã bắt đầu mất hy vọng về khả năng có thể chấm dứt tình trạng bạo lực hơn một năm qua ở Syria thông qua kế hoạch hòa bình của đặc sứ LHQ - Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan. Theo ông Al-Faisal, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ cần có các biện pháp thích hợp nhằm bảo đảm việc áp dụng ngay lập tức kế hoạch ông Annan, trong đó phải dùng đến Điều khoản 7 trong Hiến chương cho phép sử dụng vũ lực. Tuyên bố của ông Al-Faisal được đưa ra sau khi các bên ở Syria vi phạm lệnh ngừng bắn, bất chấp nhóm 300 quan sát viên LHQ đang được triển khai tại quốc gia Trung Đông này.
Dư luận cho rằng, AL đã bật đèn xanh cho một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài như họ đã từng làm trong cuộc chiến ở Libya.
Trong khi đó, ở Tây Phi cũng có những dấu hiệu tương tự. Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống Benanh Boni Yayi kêu gọi các nước thành viên HĐBA LHQ ủng hộ quyết định của AU đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tham gia giải quyết khủng hoảng ở khu vực Nam sa mạc Sahara (châu Phi). Tạp chí Afrique (Algeria) ngày 5-6 dẫn lời ông Yayi trong thư gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng, lực lượng quân sự của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) có nhiệm vụ giúp tái thiết, bảo đảm an ninh cho các thể chế và nhân vật quan trọng của Mali, tăng cường năng lực cho quân đội nước này và giúp tái lập Bộ Chỉ huy để chuẩn bị cho việc giải phóng khu vực miền Bắc Mali. Ngoài ra, ông Yayi còn đề nghị HĐBA LHQ cung cấp hậu cần và trang thiết bị quân sự cho lực lượng gìn giữ hòa bình ECOWAS. Ngoại trưởng Nigeria Mohamed Bazoum cho rằng, phương án quân sự là giải pháp duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Mali. Dự kiến ngày 11-6 tới, Tổng thống Nigeria Mahamadou Issoufou sẽ bay đến Pháp để thảo luận với Tổng thống François Hollande về tình hình an ninh trong vùng. Ông Hollande từng tuyên bố Paris sẽ hành động nếu được LHQ ủy quyền và các nước châu Phi yêu cầu (?!).
Với những diễn biến tại Syria và khu vực Nam sa mạc Sahara, nếu các bên liên quan không ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, không sớm thì muộn sẽ xảy ra 2 cuộc can thiệp vũ trang từ bên ngoài. Bởi AL và AU là hai tổ chức liên khu vực đã chính thức lên tiếng kêu gọi các hành động can thiệp bằng quân sự sẽ là cơ sở cho HĐBA LHQ sớm thông qua nghị quyết. Còn Mỹ và phương Tây lợi dụng những nghị quyết này để hợp pháp hóa những hành động quân sự cho những mục tiêu của họ như đã từng làm tại Iraq hay Libya sẽ là điều không khó. Vì trên thực tế, họ đã can dự bằng nhiều hình thức khác nhau để lực lượng chống chính quyền ở Syria cũng như khu vực Nam sa mạc Sahara đủ thế và lực trong suốt thời gian qua.
TUYẾT MINH