.

Không còn là hiện tượng

Việc Cyprus trở thành nền kinh tế thứ 5 trong khối các nước sử dụng đồng euro tìm gói cứu trợ khẩn cấp từ châu Âu có thể sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào ngày 28 và 29-6 tại Brussels (Bỉ).

Mặc dù Cyprus chỉ là nền kinh tế nhỏ thứ ba trong khối eurozone và việc giải cứu quốc đảo này không phải là chuyện khó khăn với EU, nhưng vấn đề đặt ra là cuộc khủng hoảng nợ công không còn là hiện tượng nữa; và tất cả hỗ trợ của liên minh già cỗi này thời gian qua với Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha cũng không ngăn chặn được “hiệu ứng domino”. Điều này minh chứng rằng, EU chỉ mới dừng ở việc giải quyết hiện tượng, chứ chưa đi vào gốc rễ của khủng hoảng, để rồi “hiệu ứng domino” cứ lan dần…

Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo EU kỳ vọng đạt được thỏa thuận về trưởng để phục hồi các nền kinh tế trong châu lục. Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Brussels mà không mang theo một tuyến bố nào khác như các lần họp trước, ngoài tuyên bố mong muốn có một châu Âu thống nhất và đoàn kết hơn trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Paris. Nhưng bất đồng trong quan điểm giải quyết khủng hoảng nợ công giữa bà Merkel với ông Hollande vẫn còn đó, đồng thời Đức vẫn từ chối viện trợ cho Ý và Tây Ban Nha, thì sẽ khó có tiếng nói chung cho eurozone, nhất là khi có thêm sự hiện diện của Cyprus trong danh sách các nước cần cứu trợ. Và như thế, sẽ không có “giải pháp nhanh chóng, dễ dàng” cũng không có “công thức ảo thuật” (những từ theo cách gọi của bà Merkel) được đưa ra.

Biết bao cuộc nghị sự nhưng châu Âu vẫn loay hoay với khủng hoảng. Và rồi sự góp mặt của Cyprus như giọt nước làm tràn ly, càng đặt ra áp lực cho châu Âu. Biết đâu sau Cyprus sẽ là Ý - nền kinh tế lớn thứ ba của eurozone đang bị khủng hoảng đe dọa?

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.