.

Sức ép với Nga

Nga đang đối mặt với áp lực gia tăng về việc nước này cần có hành động cứng rắn chống đồng minh Syria. Sự thúc giục này đến từ Mỹ với cảnh báo của Ngoại trưởng Hillary Clinton rằng, Mátxcơva sẽ mất ảnh hưởng ở Trung Đông nếu không “hành động mang tính xây dựng hơn”.

Cảnh báo trên được đưa ra trong lúc kế hoạch hòa bình của đặc sứ LHQ Kofi Annan bị “chết yểu” và nhà trung gian hòa giải phải trông chờ vào nhóm liên hệ mới để cứu vãn lộ trình gồm 6 điểm của ông. Song, trước hay sau gì thì Nga vẫn khẳng định không dùng biện pháp quân sự để can thiệp vào nội bộ Syria và Trung Quốc cũng ủng hộ giải pháp như thế tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Chưa rõ cụ thể “hành động mang tính xây dựng hơn” như thế nào, có thể đó là việc tránh “đặt tất cả mọi tình thế rủi ro” - theo mô tả của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ. Chỉ biết rằng, bà Clinton “tố” Nga đang cung cấp các trực thăng tấn công cho Chính phủ Syria và thúc giục Mátxcơva phải cắt đứt quan hệ quân sự này hoàn toàn. Theo bà Clinton, trong những năm gần đây, Mỹ và Nga đang nỗ lực “cài đặt lại” quan hệ song phương nhưng Washington không hài lòng về Mátxcơva. Bà Clinton còn nói rằng, đã đến lúc mọi người trong cộng đồng quốc tế, trong đó có Nga, gửi thông điệp thống nhất đến Tổng thống Syria Bashar al-Assad và kiên quyết ngăn chặn bạo lực.

Song, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lại cáo buộc Mỹ cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria. Tất nhiên Washington bác bỏ điều này. Thế là giữa 2 nước cựu thù thời Chiến tranh Lạnh lại bùng nổ “khẩu chiến”. Điều đáng nói, căng thẳng giữa 2 cường quốc lại xảy ra trước thềm Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp gỡ bên lề Hội nghị nhóm các nước công nghiệp phát triển và các nước đang nổi (G20) ở Mexico vào tuần tới. Mỹ muốn giục Nga đứng về phía mình trong vấn đề Syria bởi Washington cần lá phiếu và tiếng nói của nước giữ cương vị Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong kế hoạch chính trị nhằm chấm dứt chế độ của Tổng thống Assad.                                   

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.