.

Trắc nghiệm lòng tin

Quan hệ Nga - Mỹ lâu nay luôn ở trạng thái chông chênh, thậm chí có lúc đứng bên vực của sự đổ vỡ toàn diện do có quá nhiều bất đồng về các vấn đề song phương và quốc tế. Hai bên đã đôi lần cố gắng cài đặt lại quan hệ, nhưng cuối cùng cũng chưa tìm được tiếng nói chung.

Đặc biệt, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quay trở lại Điện Kremlin, những khó khăn, thách thức tiếp tục đặt ra cho Nhà Trắng trong việc nối lại các mối quan hệ với Nga. Trong số các vấn đề làm quan hệ giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng không như mong muốn, nổi lên rõ nét nhất là kế hoạch phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ tại châu Âu và gần đây là cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria.

Nhiều lần Nga đã lên tiếng phản đối kế hoạch phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ, cho rằng nó không nhằm để ngăn chặn tên lửa của Iran và CHDCND Triều Tiên như Washington nói mà thực chất là đe dọa an ninh của Nga. Khi còn làm Tổng thống nhiệm kỳ trước và trở lại Điện Kremlin lần này, ông Putin vẫn giữ quan điểm: Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ và các đồng minh nhằm vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo của Nga. Hay nói cách khác, nó phá vỡ thế cân bằng chiến lược về tên lửa đạn đạo mà Mỹ và Nga đã thảo thuận.

Trong khi đó, tình hình chính trị ở Syria tiếp tục bế tắc và các cuộc xung đột vũ trang ngày càng tăng làm mọi nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế trở nên bất lực. Vậy, nguyên nhân nào làm cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria lâm vào thế giằng co kéo dài đến vậy?

Mỹ và phương Tây muốn thay đổi chế độ do Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo. Nhưng Nga, quốc gia có lợi ích chiến lược và có cả căn cứ quân sự tại Syria, không muốn có một kịch bản kiểu Libya thứ hai xảy ra và chống lại mọi cuộc can thiệp từ bên ngoài nấp dưới danh nghĩa LHQ. Mỹ và phương Tây đổ vấy cho Nga và cả Trung Quốc là tác nhân chính làm các cuộc đàm phán hòa bình thất bại, đẩy xung đột vũ trang ở Syria tăng lên. Thậm chí, Nga còn bị cảnh báo là đang tiếp tục cung cấp vũ khí cho ông Assad để chống lại nhân dân. Ngược lại, Nga cho rằng chính Mỹ và phương Tây dung dưỡng, tạo cơ hội cho phe đối lập ở Syria vũ trang chống chính quyền, đẩy quốc gia này rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu.

Nhưng điều cốt lõi là giữa cái có thể và không thể luôn song hành trong quan hệ song phương Nga - Mỹ và các vấn đề quốc tế khác. Do vậy, ông chủ của Điện Kremlin và Nhà Trắng không thể không cần đến nhau, nhưng để có mối quan hệ nào đó thì buộc ông Putin và ông Obama phải xây dựng lòng tin. Và cuộc gặp mới đây giữa họ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Los Cabos (Mexico) là cuộc trắc nghiệm lòng tin.

Giới quan sát nhận định: Lãnh đạo Mỹ-Nga đã chứng tỏ họ có đủ bản lĩnh bằng thảo luận tìm ra một đường hướng chung phù hợp với tình thế phức tạp tại Syria và nhất là giải tỏa được phần nào căng thẳng đang đầu độc quan hệ song phương Nga - Mỹ. Hai nhà lãnh đạo đã không dùng lời lẽ đả kích nhau như thường thấy trước đây. Phát ngôn viên Nga Dmitri Peskov mô tả hai bên không sử dụng ngôn từ “cứng cỏi” nhưng “xây dựng và cởi mở” và cùng bày tỏ ý muốn gặp gỡ thường xuyên hơn.

Theo AFP, lúc tiếp xúc với báo chí, Tổng thống Putin với tác phong lạnh lùng cố hữu của một sĩ quan tình báo đã trình bày tóm gọn trong 2 phút. Trong khi đó, Tổng thống Obama phát biểu súc tích hơn và với giọng nói thư thái, tóm lược nội dung cuộc thảo luận được ông dùng thuật ngữ ngoại giao đánh giá là “thẳng thắn”.

Giới quan sát không rõ ông Obama có thành công khi trấn an người đồng cấp Putin về mối lo âu bị mất ảnh hưởng tại Syria hay không. Song, theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes, nếu ông Putin có điều gì thất vọng thì ông đã bày tỏ công khai.

Nhưng đó là trên bàn đàm phán, trong các lời tuyên bố báo chí, vấn đề còn lại là hành động thực tiễn của Nga - Mỹ sẽ mang lại những gì để cho cuộc trắc nghiệm lòng tin giữa Putin và Obama là thực chất và hiệu quả.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.