Đây là vị trí được Nga, Trung Quốc cùng 4 nước Trung Á (bao gồm Uzbekistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan và Tajikistan) trao cho Afghanistan tại Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 7-6. Động thái này sẽ củng cố quan hệ của các nước thành viên SCO với quốc gia Nam Á trước khi lực lượng quân đội nước ngoài rút đi vào cuối năm 2014.
Có mặt tại Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo nhóm gồm 6 nước này muốn giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Á và hy vọng sẽ đóng vai trò đáng kể ở Afghanistan trong tương lai, nhất là trong vấn đề tái thiết kinh tế. Đặt Afghanistan vào vị trí quan sát của SCO sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa 2 bên. Song, điều mà Mátxcơva và Bắc Kinh mong muốn hơn cả vẫn là giảm ảnh hưởng của Washington và gắn kết các thành viên SCO chặt chẽ hơn với những chính sách của Kabul.
Theo đó, SCO sẽ nỗ lực để bảo đảm trật tự cho Afghanistan khi NATO rút quân. Trung Quốc sẽ giúp Kabul trong việc huấn luyện an ninh, đầu tư cơ sở hạ tầng, các chương trình y tế và giáo dục... Và khi NATO rút quân khỏi Afghanistan cũng đồng nghĩa với việc kết thúc các hoạt động quân sự ở căn cứ Không quân Manas tại Kyrgyzstan, vô hình trung đáp ứng đúng ý nguyện với Mátxcơva và Bắc Kinh khi cả hai đều quan ngại sự hiện diện của Mỹ ở Trung Á - khu vực được Nga cho là “sân sau” của mình.
Song, trong khi các kế hoạch về an ninh của SCO tại Afghanistan vẫn chưa rõ ràng, vấn đề kinh tế dường như được đặc biệt chú trọng. Các công ty Trung Quốc đã có mặt ở Afghanistan và tập trung vào ngành khai khoáng. Các nhà chức trách Kabul kỳ vọng rằng, trữ lượng khoáng sản chưa được khai thác (trước đó được Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính có trị giá 1.000 tỷ USD, thậm chí các ước tính khác lên đến 3.000 tỷ USD) sẽ bù đắp những thiệt hại về viện trợ nước ngoài khi quân đội NATO rút lui.
VĨNH AN