.

Cuộc chiến không mệt mỏi

V ào những năm 1980, các nhà hoa học đã phát hiện ra ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên trên thế giới. Theo số liệu của Chương trình phòng chống HIV/AIDS LHQ (UNAIDS), sau 3 thập niên, tính đến nay đại dịch HIV/AIDS đã cướp đi 30 triệu sinh mạng và hiện trên thế giới có khoảng 35 triệu người bị nhiễm bệnh, trong đó khoảng 97% cư trú ở những nước có thu nhập thấp và trung bình.

Để chống chọi, ngăn ngừa HIV/AIDS, trong suốt mấy chục năm qua, các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà khoa học đã chiến đấu không mệt mỏi để tìm nguồn tài chính; tuyên truyền, vận động người dân nhận thức về căn bệnh, cách phòng ngừa, ngăn chặn; và nghiên cứu tìm ra các loại thuốc điều trị cho người bệnh.

Trải qua hàng trăm hội nghị quốc tế cấp toàn cầu và khu vực, trong đó có các cuộc hội nghị do LHQ tổ chức, quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều thỏa thuận, cam kết tài chính và nhiều kết quả nghiên cứu quan trọng về phòng chống HIV/AIDS.

Hướng đến mục tiêu đó, ngày 23-7 (giờ Việt Nam), Hội nghị thế giới phòng chống HIV/AIDS lần thứ 19 đã khai mạc tại Washington với sự tham dự của khoảng 25.000 đại biểu, trong đó có rất nhiều nhà lãnh đạo quốc gia, các nhà hoạt động xã hoạt nổi tiếng, các nhà khoa học ở khắp các châu lục. Hội nghị tập trung bàn thảo về các biện pháp nhằm giúp bệnh nhân ở những nước nghèo tiếp cận nhiều hơn nữa thuốc kháng HIV trong bối cảnh các liệu pháp chữa trị gần đây có những kết quả khả quan.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, các liệu pháp thử nghiệm gần đây đã mang đến những kết quả khả quan, cho thấy việc phòng ngừa, loại trừ HIV/AIDS là hoàn toàn khả thi. Qua việc dùng thuốc kháng virus HIV (ARV) đúng liều lượng, bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh bình thường và khả năng lây nhiễm cũng bị hạn chế. Cách đây 2 năm, các chuyên gia đã khẳng định có thể “ngăn chặn được HIV/AIDS ”. Nơi nào mà các phương tiện kỹ thuật, y tế và tài chính được bảo đảm, thì nơi đó HIV/AIDS bị đẩy lùi và tuổi thọ của bệnh nhân được kéo dài. Tính từ năm 2004, số người dương tính với HIV có thuốc điều trị ở các nước đang phát triển đã tăng lên đến 26 lần. Sau một thập niên đưa vào sử dụng ARV, căn bệnh HIV/AIDS đã từ “án tử” biến thành “căn bệnh kinh niên có thể chữa trị được”, tức là thế giới vẫn chưa thể chữa khỏi bệnh HIV/AIDS, nhưng nếu người bệnh được dùng thuốc đều đặn, thì HIV sẽ tạm bị khống chế, tuổi thọ người bệnh sẽ được kéo dài. Hay nói cách khác, người bệnh sẽ phải dùng thuốc suốt đời.

Theo số liệu của UNAIDS, tính đến cuối năm 2011, có trên 8 triệu người nhiễm HIV ở các nước có thu nhập thấp và trung bình được tiếp cận ARV. Thế nhưng, con số này chỉ chiếm có 54% trong tổng số 15 triệu bệnh nhân HIV đang cần thuốc chữa trị. Bởi hầu hết số người nhiễm bệnh lại nằm ở các quốc gia có nền kinh tế chậm phát triển, người dân có thu nhập thấp, không đủ các điều kiện chăm sóc y tế.

Một vấn đề đang đặt ra là khi cuộc chiến chống HIV/AIDS đang có những kết quả khả quan thì “bóng ma” của cuộc khủng hoảng tài chính lại ám ảnh. Câu hỏi lớn là làm sao tìm đủ nguồn tài chính giúp tất cả các bệnh nhân HIV đều được tiếp cận với ARV. Bởi nhiều nước tài trợ chính, nhất là ở khu vực châu Âu đang đối mặt với khoản nợ công khổng lồ, phải oằn mình với chính sách “thắt lưng buộc bụng”..., nên các cam kết tài chính cho UNAIDS bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một vấn đề  khác cũng góp phần làm u ám thêm viễn cảnh tiêu diệt hoàn toàn căn bệnh thế kỷ, đó là khi tiền được quyên góp đủ rồi, thì có được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng hay không, khi thực tế xảy ra nhiều vụ tai tiếng về việc thâm lạm quỹ chống HIV/AIDS...

Trong bối cảnh đó, theo các nhà quan sát, Hội nghị tại Washington lần này là cơ hội để các nhà hoạt động phòng chống HIV/AIDS kêu gọi quốc tế vượt qua khó khăn tài chính, tiếp tục đóng góp vào quỹ phòng chống HIV/AIDS, thúc đẩy các nghiên cứu khoa học và quản lý có hiệu quả nguồn tài trợ, nhằm tiến tới loại trừ hẳn đại dịch này ra khỏi đời sống của con người.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.