.

Khủng hoảng không dễ kết thúc

Hội nghị quốc tế về Syria đã diễn ra vào ngày 30-6 tại Geneva (Thụy Sĩ) và kéo theo cả tuần sau đó là những diễn biến, những can dự của các nước vào vấn đề khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. Khác với Hội nghị “Những người bạn Syria” ở Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ những lần trước, Hội nghị Geneva với sự bảo trợ của LHQ được cho là đủ tạo niềm tin cho cả Chính phủ Damascus lẫn phe đối lập, mặc dù không bên nào được mời tham dự.

Giới quan sát cho rằng, khủng hoảng Syria phức tạp bởi có quá nhiều nước liên quan. Nhưng dù có những khác biệt thì các lực lượng đối lập với Tổng thống Bashar al-Assad đều có chung mục đích: Lật đổ Chính phủ của người nắm quyền ở Syria gần 2 thập niên. Trong khi đó, Iran ủng hộ đồng minh Syria, một phần cũng vì muốn cạnh tranh với các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh để tranh giành ảnh hưởng ở Damascus. Còn Thổ Nhĩ Kỳ, với những căng thẳng từ năm ngoái kéo dài đến nay và sau vụ máy bay Ankara bị bắn rơi, Chính phủ nước này không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hậu thuẫn cho việc thiết lập một Chính quyền mới ở Syria.

Mỹ cũng có những bước đi thận trọng trong vấn đề Syria, bởi một trong những quan điểm của Chính phủ Tổng thống Barack Obama là không bị ràng buộc vào những rắc rối ở Trung Đông. Thực tế, Washington không thể phân tâm khi chuyển hướng chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương.

Các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh mặc dù muốn lật đổ ông Assad nhưng không thể đơn phương hành động mà phải thông qua Hội đồng Bảo an LHQ. Nhưng tại cơ quan này, họ lại vấp phải phản ứng của Nga và Trung Quốc.

Dù kết quả của Hội nghị Gevena được đánh giá là khá tốt đẹp, nhen nhóm hy vọng về giải pháp cho khủng hoảng, nhưng rốt cuộc bị phe đối lập Syria bác bỏ. Như vậy, kế hoạch hòa bình của đặc sứ LHQ Kofi Annan không dễ thực hiện, nhất là khi các quan sát viên của LHQ ngày 5-7 cho rằng, bạo lực ở đất nước Trung Đông này đã tiến đến mức không thể dự đoán.

Syria bị tác động bởi làn sóng chống Chính phủ xuất phát từ Tunisia và lan rộng khắp khu vực. Tunisia, Ai Cập, Yemen và Libya đều đã thay đổi Chính phủ trong hòa bình hoặc một cách bắt buộc. Nhưng tình huống ở Syria được cho là phức tạp hơn rất nhiều khi Chính phủ và phe đối lập không thể ngồi vào bàn thương lượng, rồi các cường quốc cũng không có tiếng nói chung.

VĨNH AN
 

;
.
.
.
.
.