.

Sức ép với Syria

Vấn đề khủng hoảng ở Syria lại “nóng” lên khi Saudi Arabia và Liên đoàn Arab (AL) đang thúc giục một giải pháp của Đại hội đồng LHQ trong lúc Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hóa học nếu bị tấn công.

Cho đến lúc này, Hội đồng Bảo an LHQ vẫn lúng túng trong biện pháp chống Syria bởi vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc. Hai “tấm lá chắn” này đang giúp Syria tránh được một kịch bản tương tự Libya. Nếu Syria trở thành trường hợp Libya thứ hai thì số phận của ông Assad cũng có thể như cố Tổng thống Muammar Gaddafi. Đại sứ Saudi Arabia tại LHQ Abdallah al-Mouallimi nói rằng, một giải pháp mới theo sáng kiến của AL sẽ được đệ trình trong những ngày tới và ông hy vọng HĐBA sẽ bỏ phiếu vào đầu tuần đến. Theo đó, giải pháp này sẽ kêu gọi 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ ủng hộ việc chống Syria. Không như tại Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên, kết quả bỏ phiếu ở Đại hội đồng LHQ sẽ dựa vào đa số, mà không lệ thuộc về sự phủ quyết của bất kỳ quốc gia nào.

Động thái mới của AL được công bố sau khi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi sự thống nhất của thế giới để kết thúc khủng hoảng kéo dài 16 tháng ở Syria. Ông Ban Ki-moon khẳng định sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn những gì mà ông mô tả là chết chóc tại đất nước này.

Tổng thống Assad đang đối mặt với sức ép lớn. Song, nhà lãnh đạo này vẫn hy vọng dựa vào Nga và Trung Quốc để chống chọi với Mỹ, phương Tây và AL. Mátxcơva lên tiếng cảnh báo về kho vũ khí hóa học của Damascus nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nước này quay lưng với ông Assad. Syria là đồng minh của Nga ở Trung Đông và căn cứ quân sự duy nhất của Mátxcơva bên ngoài lãnh thổ Xô viết cũ lại đặt căn cứ quân sự tại đây. Ông Assad còn có “tấm lá chắn” là Iran, nhưng Tehran lại không phải là “ông lớn” trong Hội đồng Bảo an như Mátxcơva và Bắc Kinh.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.