.

Xuất khẩu “nền dân chủ tên lửa - bom đạn”

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria hiện vẫn chưa có hồi kết, bởi nguyên nhân của nó không chỉ thể hiện ở sự bất đồng sâu sắc giữa chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad với phe đối lập, mà còn giữa các siêu cường trên thế giới, các quốc gia có liên quan tham gia thúc đẩy kế hoạch hòa bình ở nước này.

Những ngày qua, cả phe đối lập Syria cùng Mỹ và phương Tây đồng loạt chỉ trích Nga đã cản trở nỗ lực mang lại hòa bình cho Syria. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Nga Seigey Larov cũng có cuộc đấu khẩu khá căng thẳng về cách tiếp cận và giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Mỹ muốn lật đổ chế độ của Tổng thống Assad bằng biện pháp quân sự, còn Nga cho rằng vấn đề này thuộc quyền tự quyết của nhân dân Syria. Ông Hazim Nahar thuộc phe đối lập Syria nói rằng, Nga mang tiếng xấu dưới mắt của nhân dân Syria, trong tư cách là một trong các đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Assad (!?).

Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây vừa nhận một đòn khá đau khi trả lời phỏng vấn báo Le Monde (Pháp) số ra ngày 10-7, đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Arab - ông Kofi Annan - lại cho rằng không nên chỉ phê phán một mình nước Nga, mà còn có nhiều nước có lợi ích liên quan với Syria. Ông Annan tỏ ra ngạc nhiên là tại sao người ta chỉ tập trung chỉ trích Nga mà không nhắc gì đến vai trò của những nước khác, những nước cung cấp vũ khí, tiền bạc cho phe đối lập chống lại chính quyền và có ảnh hưởng đến tình hình trên thực địa. Bởi trên thực tế, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Qatar… cung cấp vũ khí, hỗ trợ tài chính cho phe đối lập trong nhiều tháng qua. Ông Kofi Annan thẳng thắn bày tỏ rằng: “Các nước này miệng thì nói muốn tìm giải pháp hòa bình, nhưng lại có những chủ trương bảo vệ lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm”.

Đáng chú ý, ngày 30-6 vừa qua, trong hội nghị về Syria ở Geneva (Thụy Sĩ), phương Tây đã từ chối cho Iran tham dự. Nhưng theo ông Annan, thật ra Iran là quan trọng - một nhân tố trong hồ sơ Syria nên Tehran phải có phần tham dự trong việc tìm ra giải pháp cho khủng hoảng của Damascus. Do vậy, bất chấp sự phản đối của Mỹ và phương Tây, ông Annan vừa đến Tehran để bàn với các nhà lãnh đạo nước này cùng tham gia vào tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

Nhưng để lột trần sự giả dối đó, trong cuộc gặp với các đại sứ các nước và đại diện thường trực LHQ tại Mátxcơva, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Mỹ và phương Tây tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình tại các khu vực chiến lược bằng cách can thiệp vào các cuộc xung đột nội bộ. Ông Putin lưu ý rằng, sự thống trị của phương Tây đã bị suy yếu do bất ổn xã hội - kinh tế trong nội bộ các nước phát triển. Do vậy, một số nhân vật chính trị quốc tế đang cố tìm mọi cách để duy trì ảnh hưởng thông thường của họ. Ông Putin nói: “Điều này được thể hiện trong việc xuất khẩu “nền dân chủ tên lửa - bom đạn”, can thiệp vào xung đột nội bộ, đặc biệt ở các nước Arab... Các nước phương Tây thường hành động đơn phương, trái với luật pháp quốc tế”. Theo Tổng thống Putin: “Những sự kiện bi thảm ở Libya hiện lên trước mắt chúng ta và không được để cho chuyện đó lặp lại lần nữa ở các nước khác như Syria”.

Lời cảnh báo của ông Putin phản ánh rất đúng tình hình đã và đang diễn ra tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong hơn một năm qua, mà Libya là một điển hình. Cho nên, Nga không muốn có một kịch bản thứ hai tái diễn theo kiểu xuất khẩu “nền dân chủ tên lửa - bom đạn”, và tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Syria trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.