.

Cơ hội cuối của Hy Lạp

.

Theo Thủ tướng Luxembourg - Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính châu Âu Jean-Claude Juncker, người dân Hy Lạp phải biết rằng đất nước này đang đối mặt với “cơ hội cuối cùng”. Và trong “cơ hội cuối cùng” đó, cần ưu tiên hàng đầu vào việc củng cố nền tài chính công, thực hiện cải cách… để Hy Lạp ở lại trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), đồng thời duy trì sự sống cho “Dự án châu Âu”.

Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras (phải) và ông Jean-Claude Juncker bàn đến việc cho Athens thêm thời gian. 						         Ảnh: AP
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras (phải) và ông Jean-Claude Juncker bàn đến việc cho Athens thêm thời gian. Ảnh: AP

Ông Juncker đến Athens vào ngày 22-8, gặp gỡ Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras, mang theo niềm kỳ vọng của người dân châu Âu. Ông Juncker và ông Samaras từng nói rằng, nếu Hy Lạp bị loại khỏi eurozone thì đó sẽ là bi kịch, là thảm họa cho cả khối và châu lục. Việc ở lại eurozone cũng là điều mà đa số người dân của cái nôi của nền văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại mong muốn - theo các cuộc thăm dò dư luận. Trả lời Tạp chí Bild của Đức, ông Samaras thậm chí mô tả việc rời khối 17 thành viên (eurozone) sẽ là cơn ác mộng với Hy Lạp, kéo theo hàng loạt hệ lụy: kinh tế sụp đổ, bất ổn xã hội và khủng hoảng dân chủ chưa từng có. “Sẽ có thêm ít nhất 5 năm suy thoái và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên hơn 40%”, ông Samaras dự đoán.

Ngày 24-8, Thủ tướng Samaras sẽ đến Berlin để hội đàm cùng người đồng cấp Đức Angela Merkel và ngày 25-8 gặp gỡ Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Paris. Riêng trong ngày 23-8, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức - 2 nước vốn đi đầu trong nỗ lực giải bài toán nợ công của châu Âu - nhóm họp tại Berlin để bàn thảo về vấn đề Hy Lạp. Đức là nước đóng góp nhiều nhất trong gói cứu trợ 300 tỷ USD. Và vì vậy, giờ đây các nhà chức trách cũng như các nghị sĩ trong Chính phủ liên minh của bà Merkel đều nói rằng, họ sẽ không thể nhượng bộ hơn nữa và cũng không thể mở hầu bao hơn nữa.

Tuy nhiên, Thủ tướng Samaras không yêu cầu rót thêm tiền mà cái ông cần là thời gian: thêm 2 năm để Hy Lạp thực hiện cải cách kinh tế và cắt giảm chi tiêu Chính phủ, tức kéo dài thời hạn đến năm 2016, thay vì năm 2014 (theo kế hoạch, Hy Lạp phải cắt giảm chi tiêu khoảng 11,5 tỷ euro vào năm 2013 và 2014). Thậm chí, ông Samaras còn ví von rằng, việc Hy Lạp cần thời gian trong lúc này như cần “không khí để thở”. Ông Samaras đảm nhận nhiệm vụ khi đất nước bước vào năm thứ 5 suy thoái nên bao gánh nặng chồng chất. Trong sự ngột ngạt đến ngẹt thở ấy, vị Thủ tướng mới nhậm chức hồi tháng 6 vừa qua đã phải xoay xở, vật lộn với quá nhiều áp lực, cả trong nước lẫn ngoài nước và với sức ép từ chính ông trong việc cam kết sửa chữa sai lầm của quá khứ, đưa Hy Lạp tăng trưởng trở lại… Nhóm cho vay bao gồm: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) sẽ nhóm họp vào tháng 9 tới tại Athens để xem Hy Lạp đáp ứng được các điều kiện đặt ra hay không.

“Cơ hội cuối cùng” mà ông Juncker đề cập tới còn là thời điểm và động thái của Hy Lạp để tránh tạo ra những nguy cơ lớn cho toàn bộ eurozone. Thủ tướng Samaras từng nói: “Nước Mỹ có cuộc đại suy thoái, chúng tôi cũng có. Những gì đang xảy ra ở Hy Lạp là phiên bản của cuộc khủng hoảng năm ấy”. Và để vượt qua “phiên bản” đó đòi hỏi sự chèo chống mạnh mẽ, kiên quyết cùng các giải pháp phù hợp của Chính phủ Athens. Song trước mắt, đề xuất kéo dài thêm 2 năm, giúp Hy Lạp có “không khí để thở” nhiều khả năng bị các chủ nợ phản đối vì cho rằng, điều này sẽ chỉ khiến Athens cần thêm gói viện trợ mà thôi.

PHƯƠNG THẢO
 

;
.
.
.
.
.