Việc Trung Quốc mở hàng loạt các cuộc gây hấn với những nước có liên quan đến vùng biển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines… cho thấy, họ đang toan tính vươn ra kiểm soát các khu vực rộng lớn trên biển vốn không chỉ là tuyến vận tải hàng hải quan trọng, mà trong lòng nó còn chứa đựng nguồn tài nguyên phong phú.
Một trong những lực lượng chủ chốt cho việc tiến ra các vùng biển là xây dựng lực lượng Hải quân hùng mạnh, để thực hiện cả phòng thủ, tấn công, lẫn hỗ trợ cho ngư dân và ngành khai thác dầu khí hoạt động. Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỷ USD để phát triển tàu sân bay, tàu ngầm, tàu tấn công, tàu đổ bộ, xây dựng lực lượng Không quân đóng ở các tỉnh ven biển. Mới đây, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), Phó Tư lệnh Hải quân PLA Đinh Nhất Bình đã có bài phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc tuyên bố “phải tăng cường hơn nữa khả năng để hoàn thành các nhiệm vụ quân sự trên phạm vi rộng lớn hơn, và để đóng góp nhiều hơn nữa trong vai trò những người bảo vệ các lợi ích, quyền lợi và an ninh trên biển của đất nước”. Phó Đô đốc Đinh Nhất Bình cũng cho rằng, Hải quân PLA còn nhiều việc cần phải làm để hiện đại hóa trang thiết bị, vũ khí bởi “một lực lượng Hải quân có tham vọng vươn xa hơn thì lực lượng đó phải giải quyết một loạt vấn đề như khả năng giám sát và cảnh báo sớm, bảo đảm thông tin liên lạc, dẫn đường và định vị, hậu cần... tại những vùng nước xa”.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư phát triển hàng chục tàu kiểm ngư; được vũ trang trá hình để hộ tống cho ngư dân nước mình, chặn bắt ngư dân các nước trong khu vực đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền hoặc vùng biển còn tranh chấp; đồng thời xây dựng dàn khai thác dầu khí khổng lồ và đã đưa ra biển hoạt động…
Để thực hiện những toan tính sâu xa, Trung Quốc đã chọn Biển Đông làm điểm mở đầu cho “giấc mơ toàn cầu” của lực lượng Hải quân. Bởi vậy, vài năm gần đây, Trung Quốc không chỉ đưa ra bản đồ hình lưỡi bò tự vẽ, thành lập “thành phố Tam Sa”, ra mắt bộ máy chính quyền, mà đi xa hơn hình thành cơ quan quân sự để thực hiện các hành động mang tính vũ trang. Cũng trong thời điểm này, Trung Quốc cho chạy thử lần thứ 9 chiếc tàu sân bay, đưa nhiều tàu hải quân, tàu hải giám, và cả chục tàu ngư dân ra Trường Sa và Hoàng Sa để gây hấn, trấn áp, đe dọa và giương oai với các nước có liên quan.
Các nhà quan sát cho rằng, nếu Trung Quốc có một chút thành công nào đó trong việc kiểm soát chủ quyền ở Biển Đông theo bản đồ hình lưỡi bò, thì họ không ngần ngại tiến thêm những bước leo thang nữa trên vùng biển Thái Bình Dương và xa hơn là các đại dương khác. Ông Toshinori Tanaka, Giám đốc Văn phòng Phân tích chiến lược và tình báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đã bày tỏ sự lo ngại trước những diễn biến đó, vì theo ông rất khó mà dự đoán được “các ý định và mục tiêu đằng sau các hành động quân sự của Trung Quốc”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto xác nhận: “Có một mức độ quan ngại nhất định, không chỉ ở Nhật Bản mà ở toàn bộ khu vực Đông Á, trước hướng đi mà Trung Quốc sẽ theo đuổi”.
Giấc mơ về lực lượng Hải quân Trung Quốc sẵn sàng cho vai trò lớn hơn trong các sứ mệnh toàn cầu như Phó Tư lệnh Hải quân PLA Đinh Nhất Bình tuyên bố đang gây ra sự nghi ngờ và lo ngại của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước có liên quan ở khu vực Đông Nam Á.
TUYẾT MINH