.

Nguy cơ chiến tranh vì nguồn nước

Từ ngày 26 đến 31-8, nhân Tuần lễ Nước thế giới, tại Stockholm (Thụy Điển) diễn ra hội nghị hằng năm lớn nhất về những vấn đề phát triển nước, với sự có mặt của khoảng 2.500 viên chức, các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học của hơn 100 nước.

Nước là nhu cầu tất yếu của con người. Thiếu nguồn nước sẽ ảnh hưởng tới quá trình sản xuất và bảo đảm an ninh lương thực; đồng thời thiếu nguồn nước, nhất là nước sạch, sẽ đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào. LHQ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự phí phạm trong việc sử dụng nguồn nước, cũng như những tranh chấp của các quốc gia về nguồn nước là nguy cơ dẫn tới các cuộc xung đột vũ trang.

LHQ đánh giá: Vào năm 2030, nhu cầu toàn thế giới về nước sẽ vượt quá mức cung 40%. Ông Jens Berggren, Giám đốc Tuần lễ Nước thế giới cũng cảnh báo về sự “hoang phí lương thực trong hệ thống cung cấp nước của chúng ta… Chúng ta cũng phí phạm nước bằng những phương pháp tưới tiêu không đúng cách”.

Không chỉ có sự phí phạm trong sản xuất, sinh hoạt, mà thực tế sự tranh chấp về nguồn nước giữa các quốc gia đang tiềm ẩn những cuộc xung đột vũ trang. Nhất là châu Á, trong điều kiện tăng trưởng dân số, tăng trưởng kinh tế và gia tăng khối lượng tiêu thụ nước, các cuộc xung đột vì nguồn nước ngọt là yếu tố rất quan trọng làm trầm trọng thêm tình hình giữa các quốc gia có tranh chấp về nguồn nước. Giới quan sát cảnh báo rằng, tình trạng thiếu nước ở châu Á có thể gây ra cuộc chiến tranh mới trên lục địa này.

Trung Đông đang chuẩn bị nhập khẩu nước uống từ Nam Mỹ và đang gấp rút xây dựng kho nước dự trữ chiến lược. Giữa Ấn Độ và Pakistan có thể bùng nổ cuộc xung đột mới vì nguồn nước. Iran thường xuyên dọa đóng cửa eo biển Hormuz. Điều đó trước hết liên tưởng với sự sụp đổ của thị trường dầu mỏ thế giới. Mặt khác, đối với một số quốc gia ở vùng Vịnh Ba Tư, việc đóng eo biển Hormuz có nghĩa là họ bị tước đi nguồn nước ngọt bởi hầu như toàn bộ khối lượng nước ngọt tiêu thụ ở Saudi Arabia, Kuwait, Qatar và UAE được nhập khẩu thông qua eo biển này. Các quốc gia đó lập ra những kế hoạch đáng kinh ngạc nhất để tránh tình trạng bị phong tỏa nước. Chẳng hạn, UAE dự kiến sẽ nhập khẩu nước từ sông băng Patagonia ở Nam Mỹ. Do vậy, một khi Iran đóng cửa eo biển Hormuz không chỉ tạo ra chiến tranh về dầu mỏ, mà còn là cuộc chiến vì nguồn nước ngọt cho các quốc gia trong khu vực.

Tình hình ở Nam và Đông Nam Á còn nặng nề hơn khi một số quốc gia sẵn sàng tham gia cuộc chiến vì các dòng sông. Trước đây, Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần xung đột và nay lại đứng trên bờ vực xung đột mới vì nguồn nước. Trong khi đó, giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng có những vấn đề nước. Dự án thủy điện của Trung Quốc trên sông Brahmaputra và các con sông khác ở Tây Tạng đe dọa hàng triệu nông dân Ấn Độ bị mất nguồn nước.

Còn khu vực Đông Nam Á, trong thời gian dài, Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan cũng đối mặt với vấn đề thiếu nước do việc xây dựng các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong. Vì vậy, nhiều vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam bị thiếu nước ngọt, bị nước biển xâm thực, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân và sản xuất lương thực.

Đã có rất nhiều cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng bùng nổ, vì vùng hạ lưu của một dòng sông thuộc quốc gia này còn thượng lưu thuộc quốc gia khác. Thực tế, nếu một nước nào đó sở hữu nguồn nước thì có quyền quản lý nguồn nước đó mà không chú ý đến lợi ích của các nước láng giềng thì tất yếu sẽ xảy ra các bất đồng. Vì vậy, cần phải áp dụng nỗ lực quốc tế để thảo ra pháp luật về sử dụng tài nguyên nước nhằm bảo đảm tính công bằng, hợp lý giữa các quốc gia liên quan trong việc quản lý, sử dụng nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.